Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý

Giới thiệu văn bản mới Thông tư liên tịch  
Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý

* Cơ quan ban hành: Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ

* Ngày ban hành23/6/2016

* Ngày có hiệu lực08/8/2016

* Văn bản bị thay thế: Thông tư số 06/2010/TT-BNV, Thông tư số 15/2010/TT-BTP ngày 04 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý và Thông tư liên tịch số 23/2011/TTLT-BTP-BNV.

* Nội dung chính:

Thông tư liên tịch này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức Trợ giúp viên pháp lýáp dụng đối với viên chức Trợ giúp viên pháp lý làm việc tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Tại Thông tư 06/2010/TT-BNV, Thông tư 15/2010/TT-BTP quy định chức danh, mã số ngạch viên chức trợ giúp viên pháp lý và tiêu chuẩn nghiệp vụ, theo đó, trợ giúp viên pháp lý bao gồm trợ giúp viên pháp lý chính và trợ giúp viên pháp lý. Còn Thông tư  08/2016/TTLT-BTP-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp pháp lý, theo đó, trợ giúp viên pháp lý chia thành 2 hạng: hạng II mã số V02.01.01; hạng III mã số V 02.01.02. Với cách phân loại viên chức trợ giúp pháp lý khác nhau nên chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ của từng loại cũng khác nhau.

Thông tư  08/2016/TTLT-BTP-BNV còn quy định bổ sung thêm so với Thông tư 15/2010/TT-BTP  về Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của viên chức Trợ giúp viên pháp lý là phải Thực hiện theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp Thực hiện theo các quy định, quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

Trợ giúp viên pháp lý theo Thông tư  08/2016/TTLT-BTP-BNV chia thành 2 hạng: hạng II mã số V02.01.01; hạng III mã số V 02.01.02.

Đối với trợ giúp viên pháp lý hạng II – Mã số 02.01.01 phải thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc phức tạp và các vụ việc trợ giúp pháp lý khác được phân công; Chủ trì nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương; tham gia xây dựng các văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý được phân công; Tổ chức đánh giá, giám sát và tham gia đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được phân công; hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá chất lượng vụ việc cho Trợ giúp viên pháp lý hạng III và những người được phân công đánh giá chất lượng khác theo quy định; Chủ trì tổ chức hoặc trực tiếp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác; Chủ trì hoặc tham gia biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; tổ chức hoặc tham gia bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác; Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thực hiện trợ giúp pháp lý và đề xuất các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý; Thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công.

Về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật; có trình độ ngoại ngữ B1; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Đối với trợ giúp viên pháp lý hạng II – Mã số 02.01.02 phải thực hiện trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc được phân công; tham gia đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo phân công; tham gia nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch, văn bản trợ giúp pháp lý ở địa phương; tham gia biên soạn chương trình, tài liệu và tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo phân công; tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác trợ giúp pháp lý; thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công.

Về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật; có trình độ ngoại ngữ A2; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức Trợ giúp viên pháp lý phải căn cứ vào vị trí việc làm, nhiệm vụ, chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước: Chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý hạng II được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương từ 4,40 đến hệ số lương 6,78); Chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý hạng III được áp dụng bảng lương viên chức loại A1 (từ hệ số lương từ 2,34 đến hệ số lương 4,98).

Đối với viên chức đang làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và hiện giữ ngạch chuyên viên cao cấp (mã số 01.001) hoặc tương đương thì tiếp tục được giữ ngạch hiện hưởng.

Trường hợp viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch Trợ giúp viên pháp lý quy định tại Thông tư số 06/2010/TT-BNV (trợ giúp viên pháp lý chính: mã số ngạch 03.289; trợ giúp viên pháp lý: mã số ngạch 03.290), nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý quy định tại Thông tư liên tịch này thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm cử viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

Thông tư liên tịch này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức Trợ giúp viên pháp lý. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức Trợ giúp viên pháp lý có trách nhiệm: Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp; Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý tương ứng trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp, ủy quyền sau khi phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi.

Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức Trợ giúp viên pháp lý; Phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức Trợ giúp viên pháp lý thuộc phạm vi quản lý từ ngạch viên chức hiện giữ sang các chức danh nghề nghiệp viên chức Trợ giúp viên pháp lý tương ứng quy định tại Thông tư liên tịch này; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương; Quyết định hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức Trợ giúp viên pháp lý thuộc diện quản lý vào các chức danh Trợ giúp viên pháp lý tương ứng trong các đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Hàng năm Bộ Tư pháp gửi Bộ Nội vụ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức Trợ giúp viên pháp lý thuộc phạm vi quản lý.

* Nội dung giao cho địa phương:

- Trách nhiệm xây dựng thể chế: Không quy định trực tiếp.

- Trách nhiệm triển khai thực hiện: Sở Tư pháp.

 

Trần Thúy Quỳnh
Tin liên quan