Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số điểm mới về chế định Trợ giúp pháp lý trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Tin tức - Sự kiện Tư vấn, Trợ giúp pháp lý  
Một số điểm mới về chế định Trợ giúp pháp lý trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân bảo đảm quyền tiếp cận công lý và quyền cơ bản của con người. Theo đó, Hiến pháp đã ghi nhận quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa là một trong những quyền cơ bản của công dân, đồng thời bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

Ngày 27/11/2015, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Một trong những điểm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đó là chế định về Trợ giúp pháp lý. So với những quy định hiện hành, Bộ Luật Tố tụng hình sự có một số thay đổi về chế định Trợ giúp pháp lý như sau:

Thứ nhất, bổ sung tư cách của Trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố tụng hình sự, theo đó Bộ luật Tố tụng hình sự ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa (điểm d khoản 2 Điều 72), là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố (điểm d khoản 2 Điều 83), là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự  (điểm d khoản 2 Điều 84).

Thứ hai, bổ sung trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý. Bộ luật tố tụng hình sự quy định trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý: trong trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Việc thông báo, giải thích phải được ghi vào biên bản (Điều 71 của Bộ luật).

Thứ 3,trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015  bổ sung cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong trường hợp chỉ định người bào chữa; Bộ luật Tố tụng hình sự cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Theo đó, đối với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là: bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người chưa thành niên thì Trung tâm phải cử người bào chữa cho họ theo chỉ định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 76 của Bộ luật).

Ngoài ra, tại Điều 77 của Bộ luật đã ghi nhận việc từ chối người bào chữa như sau: trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối.

Quy định trên nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan khi người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam thể hiện nguyện vọng đồng ý hoặc từ chối người bào chữa, đồng thời cũng là điểm mới do trước đây chưa được quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 4/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng./.

 

Huyền Chi (TTTGPL)