Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được khẩn trương sửa đổi tạo khung pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước, xã hội, cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Trước yêu cầu đó, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016), dự án Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi đã được Chính phủ trình ra Quốc hội.Trong quá trình thảo luận tại Quốc hội cũng như quá trình hội thảo, tọa đàm, ý kiến góp ý vào các quy định của dự thảo Luật rất sôi nổi, đa dạng, nhiều chiều, trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn sau:
Về người được trợ giúp pháp lý: Dự thảo Luật kế thừa đầy đủ các đối tượng đang được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý hiện hành và các Bộ luật, Nghị định có liên quan. Theo đó có 3 nhóm đối tượng chính sách thuộc diện được trợ giúp pháp lý mà không cần xem xét yếu tố tài chính đó là: nhóm người có công với cách mạng, nhóm người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và nhóm người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Ngoài 3 nhóm đối tượng này, việc trợ giúp pháp lý sẽ được thực hiện đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội có khó khăn về tài chính như: người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, nạn nhân mua bán người, người nhiễm chất độc hóa học...Bên cạnh đó so với luật hiện hành, dự thảo Luật quy định thêm 2 nhóm đối tượng cũng thuộc diện trợ giúp pháp lý đó là: người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và nạn nhân bạo lực gia đình.
Về tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý: Trong dự thảo Luật cơ bản đã chuẩn hóa các quy định của Nghị định 14/2013/NĐ-CP. Tiêu chuẩn của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý được nâng cao, tiến tới ngang bằng với chất lượng hoạt động của luật sư. Theo dự thảo Luật dự kiến bổ sung quy định đối với các Trợ giúp viên chưa qua đào tạo luật sư và không được miễn đào tạo luật sư như sau: “trong thời gian 03 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, phải hoàn thiện việc tham gia đào tạo nghề luật sư; nếu hết thời hạn 03 năm mà người đó không có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì sẽ chấm dứt tư cách Trợ giúp viên pháp lý”.
Về hình thức trợ giúp pháp lý: Các hình thức trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật được kế thừa từ Luật trợ giúp pháp lý hiện hành đó là thông thông qua 03 hình thức tham gia chính, bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Đối với hình thức “trợ giúp pháp lý khác” như hòa giải, sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tờ rơi, tờ gấp pháp luật,... chiếm tỷ trọng không đáng kể so với vụ việc trợ giúp pháp lý và không hiệu quả. Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động trong quá trình thực hiện Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nghiệp vụ để đảm bảo đưa trợ giúp pháp lý đến với người dân.
Về cộng tác viên trợ giúp pháp lý: Hơn 10 năm thực hiện Luật trợ giúp pháp lý cho thấy có 2 nhóm cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý. Nhóm thứ nhất bao gồm những người là luật sư, tư vấn viên pháp luật; nhóm thứ hai gồm rất nhiều người khác, nhóm này thường ít tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý và mang lại hiệu quả hoạt động không cao. Do đó để nâng cao chất lượng hoạt động của nhóm thứ 2, dự thảo Luật dự kiến bổ sung một số điều quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể theo hướng chặt chẽ yêu cầu cao về chuyên môn, hiểu biết pháp luật, đã nghỉ hưu, chủ yếu tại các vùng miền núi, biên giới, những nơi thiếu Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật. Cộng tác viên chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tư vấn pháp luật. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng dự kiến bổ sung quy định: “Cộng tác viên trợ giúp pháp lý không tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 01 năm thì sẽ bị Giám đốc Sở Tư pháp xem xét thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý”.
Về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý: Một trong những thay đổi so với Luật trợ giúp pháp lý 2006 là trong dự thảo Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi có quy định về việc lựa chọn và ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý trong 02 trường hợp: hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý ký kết giữa cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý và tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hoặc hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được ký kết giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với luật sư. Việc quy định cơ chế hợp đồng đồng này là nhằm tăng cường xã hội hóa, thu hút sự tham gia tích cực của đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ này trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Đồng thời thông qua cơ chế này, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ kịp thời về nguồn lực cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước: Luật dự kiến tiếp tục quy định về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý để tạo cơ sở pháp lý cho các Chi nhánh sau khi rà soát tiếp tục tổ chức và hoạt động. Bên cạnh đó, để bảo đảm việc thành lập Chi nhánh một cách thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế, dự thảo Luật dự kiến chỉnh lý quy định cụ thể các điều kiện thành lập Chi nhánh để tránh việc thành lập tràn lan, kém hiệu quả.
Như vậy, có thể thấy dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi đã có những thay đổi lớn, mở rộng hơn so với với luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, những thay đổi này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của Nhà nước đối với người dân một cách tốt nhất./.