Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông về Luật TGPL, Thông tư liên tịch số 11/2013 và các văn bản có liên quan để nâng cao nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng về TGPL trong hoạt động tố tụng. Đẩy mạnh công tác truyền thông các quy định pháp luật về TGPL thông qua các phương tiện báo chí, phát thanh truyền hình, bảng tin, hộp tin TGPL...
Thứ hai, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Bao gồm: hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện và hướng dẫn chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, hoặc các vấn đề mới phát sinh trong công tác phối hợp. Cụ thể, các ngành thành viên Hội đồng hướng dẫn nội bộ ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng phù hợp với thực tế ngành mình như: Hướng dẫn các thủ tục, viết đơn, xác nhận vào đơn cho bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan (thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí) để làm cơ sở cho Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích cho họ ... Ngoài ra nếu có những vướng mắc hoặc các vấn đề mới phát sinh Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý) sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các ngành thành viên Hội đồng liên ngành và báo cáo Hội đồng liên ngành Trung ương.
Thứ ba, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng. Cơ quan Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành và chủ trì tổ chức Đoàn kiểm tra, các thành viên liên ngành cử đại diện tham gia đầy đủ đoàn kiểm tra.
Thứ tư, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo việc thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013. Theo đó, các ngành thành viên tổng hợp báo cáo về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013 của ngành mình gửi Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo chung trong báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành ở địa phương gửi Bộ Tư pháp.
Nhìn chung, công tác TGPL trong hoạt động tham gia tố tụng thời gian qua đã có sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho Trợ giúp viên pháp lý tham gia TGPL kịp thời cho các đối tượng là người nghèo, người có công với Cách mạng và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật về hoạt động TGPL. Kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối phợp liên ngành đặc biệt để bảo đảm người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước./.