I. Tổng quan của Thông tư:
Thông tư gồm 05 Chương, 16 Điều, cụ thể:
Chương I: Những quy định chung gồm 04 Điều: Điều 1 Phạm vi
điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Điều 2 Giải thích từ ngữ, Điều 3 Mã số ngạch
công chức thi hành án dân sự, Điều 4 Tiêu chuẩn chung.
Chương II: Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn
nghiệp vụ các ngạch Chấp hành viên gồm 03 Điều: Điều 5: Ngạch Chấp hành viên
cao cấp, Điều 6: Ngạch Chấp hành viên trung cấp, Điều 7 Ngạch Chấp hành viên sơ
cấp.
Chương III: Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn
nghiệp vụ các ngạch Thẩm tra viên gồm 03 Điều: Điều 8 Ngạch Thẩm tra viên cao
cấp, Điều 9 Ngạch Thẩm tra viên chính, Điều 10 Ngạch Thẩm tra viên.
Chương IV: Chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn
nghiệp vụ các ngạch thư ký thi hành án gồm 03 Điều: Điều 11 Ngạch Thư ký thi
hành án, Điều 12 Ngạch Thư ký trung cấp thi hành án, Điều 13 Xếp lương đối với
công chức chuyên ngành thi hành án dân sự.
Chương V: Điều khoản thi hành gồm 03 Điều: Điều 14 Tổ chức
thực hiện, Điều 15 Quy định chuyển tiếp, Điều 16 Hiệu lực và trách nhiệm thi
hành.
II. Hiệu lực của Thông tư:
Thông tư có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
III. Những điểm mới cơ bản của Thông tư:
Thứ nhất, phạm vi điều
chỉnh, đối tượng áp dụng: bổ sung quy định theo đó loại trừ đối tượng áp dụng
là các trường hợp đặc biệt được bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành
viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp không qua thi tuyển thì áp dụng theo quy
định tại khoản 6, khoản 7 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự.
Thứ hai, thời gian làm
công tác pháp luật và giấy tờ xác nhận thời gian làm công tác pháp luật áp dụng
trong hệ thống tổ chức THADS.
- Về xác định thời gian làm công tác xây dựng pháp luật:
+ Quy định rõ thời gian có trình độ cử nhân luật trở lên giữ
ngạch chuyên viên và tương đương trở lên gắn với vị trí việc làm có yêu cầu
trình độ cử nhân luật trở lên trong một số cơ quan trong hệ thống chính trị, mà
không quy định chung chung là trực tiếp thực hiện công tác xây dựng pháp luật,
tổ chức thi hành pháp luật như thông tư 03/2017/TT-BTP.
+ Bổ sung thời gian có trình độ cử nhân luật trở lên thuộc
trường hợp được tính là tương đương thời gian giữ ngạch theo quy định tại điểm
d khoản 3 Điều 30 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của
Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
+ Bổ sung quy định thời gian hành nghề luật
sư, công chứng viên, đấu giá viên, quản tài viên, thừa phát lại.
- Bổ sung quy định về tài liệu giấy tờ làm công tác pháp
luật: Tài liệu xác định thời gian làm công tác pháp luật là:
+ Quyết định bổ nhiệm ngạch, chức danh, văn bản có nội dung
thay đổi ngạch, chức danh (nếu có) đối với người thuộc điểm a khoản 1 Điều này;
+ Bằng cử nhân luật trở lên; quyết định bổ nhiệm ngạch công
chức, bổ nhiệm chức danh viên chức, văn bản có nội dung thay đổi ngạch, chức
danh (nếu có) hoặc hợp đồng làm việc đối với viên chức kèm bản mô tả công việc
và khung năng lực vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với
vị trí việc làm đã đảm nhiệm, quyết định xếp lương theo quy định tại điểm d
khoản 3 Điều 30 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính
phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, đối với người thuộc
điểm b khoản 1 Điều này;
+ Bằng cử nhân luật trở lên; quyết định phê chuẩn chức vụ,
chức danh, văn bản có nội dung thay đổi chức vụ, chức danh (nếu có) đối với
người thuộc điểm c khoản 1 Điều này;
+ Bằng cử nhân luật trở lên; quyết định cấp Thẻ luật sư,
chứng chỉ hành nghề Đấu giá viên, chứng chỉ hành nghề Quản tài viên, quyết định
bổ nhiệm Thừa phát lại, quyết định bổ nhiệm Công chứng viên, kèm theo giấy tờ
chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh tại điểm d
khoản 1 Điều này;
Thứ ba, giải
thích quy định việc người có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản .
Thứ tư, quy định rõ
hơn về tài liệu xác định chủ trì hoặc tham gia xây dựng, thẩm định văn bản quy
phạm pháp luật, đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học, sáng
kiến.
Thứ năm, đối với ngạch
công chức Thẩm tra viên cao cấp, thẩm tra viên chính và thẩm tra viên, thêm chữ
“thi hành án”.
Thứ sáu, quy
định về nhiệm vụ của các ngạch công chức chuyên ngành rõ ràng, cụ thể hơn.
Thứ bẩy, về chứng chỉ
đào tạo, bồi dưỡng:
- Sửa đổi quy định: Có (1) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức
quản lý nhà nước và nghiệp vụ THADS theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
(2) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ THADS chính;
(3) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ THADS cao cấp
tại các khoản 4 của các Điều từ Điều 5 đến Điều 11 thành: Có (1) Chứng
chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và tương
đương; (2) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước ngạch chuyên
viên chính và tương đương; (3) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý
nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương tương ứng với mỗi ngạch
chuyên ngành THADS tại các khoản 4 của các Điều từ Điều 5 tới Điều 11 của dự
thảo Thông tư[1].
- Bổ sung chứng chỉ: (1) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng theo yêu cầu vị trí việc làm đối với Chấp hành viên cao cấp theo nội dung
chương trình của Bộ Tư pháp; (2) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo
yêu cầu vị trí việc làm đối với Chấp hành viên trung cấp theo nội dung chương
trình của Bộ Tư pháp; (3) Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự; (4)
Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm đối với
Thẩm tra viên cao cấp thi hành án theo nội dung chương trình của Bộ Tư pháp;
(5) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm đối với
Thẩm tra viên chính thi hành án theo nội dung chương trình của Bộ Tư pháp; (6)
Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm đối với
Thẩm tra viên thi hành án theo nội dung chương trình của Bộ Tư pháp; (7) Chứng
chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm đối với Thư ký
thi hành án dân sự theo nội dung chương trình của Bộ Tư pháp tại các khoản 4 của
các Điều từ Điều 5 tới Điều 11 của dự thảo Thông tư.
- Đối với ngạch Chấp hành viên cao cấp và Thẩm tra viên cao
cấp: bỏ quy định về bằng cử nhân chính trị.
- Đối với ngạch Thư ký trung cấp:
+ Sửa đổi quy định: Có bằng tốt nghiệp trung học luật trở
lên thành: có trình độ trung cấp luật trở lên.
+ Bỏ quy định có Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà
nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư
pháp.
Thứ tám, đối với công
chức dự thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp và Thẩm tra viên cao cấp không
còn áp dụng: việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả ít nhất 02 sáng kiến trong
phạm vi Tổng cục Thi hành án dân sự hoặc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự.
Thứ chín, sửa đổi quy
định: Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của Chấp hành viên, Thẩm tra
viên thuộc Bộ Quốc phòng được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng trên cơ sở bảo đảm không thấp hơn các tiêu chuẩn của các ngạch công chức
tương ứng quy định tại Thông tư này, thành: Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi
dưỡng của Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng được
thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thứ mười, điều khoản
chuyển tiếp:
+ Trường hợp công chức có chứng chỉ hoàn thành các chương
trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự
trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi
dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng theo yêu cầu vị trí việc làm của ngạch công chức tương đương tương ứng
theo quy định tại Thông tư này.
+ Trường hợp công chức đã được bổ nhiệm vào ngạch công chức
chuyên ngành thi hành án dân sự trước ngày Thông tư này có hiệu lực (kể cả
trường hợp do yêu cầu vị trí công tác phải chuyển ngạch công chức tương đương
nay bố trí lại ngạch cũ) thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị
định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính
phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Vụ TCCB