Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lựa chọn hình thức trợ giúp pháp lý phù hợp trong tình hình mới

Tin tức - Sự kiện  
Lựa chọn hình thức trợ giúp pháp lý phù hợp trong tình hình mới
Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã hướng mạnh hoạt động về cơ sở, tham gia tích cực vào hoạt động tố tụng (hình sự, dân sự), tư vấn, hỗ trợ những đối tượng đặc thù (người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ vị thành niên, người khuyết tật…). Tuy nhiên, để những những người dân trong diện được TGPL dễ dàng tiếp cận nhiều hơn với hoạt động TGPL, công tác thông tin, tuyên truyền cần được tăng cường hơn nữa bằng những hình thức phù hợp, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Từ khi được ban hành (năm 2006), Luật TGPL đã trở thành cơ sở pháp lý vững chắc, quy định cụ thể về tư cách pháp nhân, mô hình, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn…để hoạt động TGPL tại địa phương trở nên rõ nét, thiết thực hơn. Với mục tiêu hướng mạnh về cơ sở, thời gian qua, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước bảo đảm công lý, nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đồng thời, đưa công tác TGPL đến gần với người dân hơn, quyền lợi được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện 146 vụ việc TGPL (101 vụ việc tư vấn, 45 vụ việc tham gia tố tụng). Trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 47 vụ việc (tư vấn pháp luật 3 vụ việc, tham gia tố tụng 44 vụ việc); luật sư cộng tác viên thực hiện 99 vụ việc (tư vấn pháp luật 98 vụ việc, tham gia tố tụng 1 vụ việc).

Để những người dân thuộc diện được TGPL biết và tiếp cận nhiều hơn với hoạt động TGPL, theo ông Nguyễn Văn Tình (Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh): Công tác thông tin, tuyên truyền về TGPL có vai trò đặc biệt quan trọng. Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đặc biệt quan tâm lựa chọn thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, linh hoạt như: phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, các đoàn thể, địa phương; tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật, kết hợp TGPL…Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực trao đổi, thông báo cho Trung tâm TGPL về những vụ việc có đối tượng được TGPL (Cơ quan công an thông báo: 18 vụ việc; Viện kiểm sát: 2 vụ việc, Toà án: 17 vụ việc). Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL đã tích cực phối hợp với Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam, Phòng Tư pháp huyện Lý Nhân tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về TGPL và chế độ chính sách cho người khuyết tật trên địa bàn huyện Lý Nhân. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL cũng đã tiến hành 11 buổi truyền thông, TGPL tại cơ sở, với trên 1.500 đối tượng tham gia; phát 20.000 tờ gấp về Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay đã đặt công tác thông tin, tuyên truyền về TGPL trước nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những đổi mới về hình thức sao cho phù hợp. Trước hàng loạt những yêu cầu về giãn cách xã hội và quy định, nguyên tắc bảo đảm phòng dịch, việc tổ chức những hội nghị tuyên truyền pháp luật, TGPL tại cơ sở đã không còn khả thi. Vì thế, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã có sự thay đổi về hình thức thông tin tuyên truyền, tiếp cận gần hơn với đối tượng được TGPL. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cung cấp danh sách người thuộc diện được TGPL theo quy định pháp luật (Thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng; hộ nghèo, cận nghèo; người khuyết tật…). Trên cơ sở danh sách (gồm họ tên, địa chỉ người thuộc diện được TGPL), cán bộ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh chủ động liên hệ (qua hình thức gọi điện thoại, gửi thư tay, gặp trực tiếp), tuyên truyền về quyền lợi, lĩnh vực và hình thức TGPL. Cùng đó, phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Tư pháp viết tin, bài đăng trên Bản tin Tư pháp, Trang thông tin điện tử về Luật TGPL, nội dung tư vấn vụ việc cụ thể, kết quả tư vấn pháp lý…Đồng thời, tăng cường phối hợp với công chức tư pháp – hộ tịch, LĐ,TB&XH cấp xã, cán bộ phòng tư pháp, LĐ,TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức đoàn thể… nắm bắt thông tin từ cơ sở, nhanh chóng liên hệ với Trung tâm TGPL khi người dân thuộc diện TGPL có nhu cầu TGPL. Bà Nguyễn Thị Thu Trang (Trưởng phòng Tư pháp thành phố Phủ Lý) cho biết: Thời gian qua, Phòng Tư pháp thành phố Phủ Lý đã tích cực phối hợp với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh trong việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật kết hợp tư vấn và TGPL. Cán bộ Phòng Tư pháp thành phố và công chức tư pháp- hộ tịch các phường, xã cũng đã tăng cường thông tin tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu TGPL của nhân dân, làm cầu nối về thông tin liên lạc để người dân trong diện được TGPL dễ dàng tiếp cận với hoạt động TGPL.

Có thể thấy, những hình thức thông tin, tuyên truyền về TGPL mới này đã đã mở ra cơ hội tiếp cận gần hơn và đem lại nhiều thuận lợi cho người dân trong diện được TGPL. Việc liên hệ trực tiếp tới từng đối tượng được TGPL giúp cán bộ TGPL nhanh chóng nắm bắt chính xác nhu cầu cụ thể của người dân, nắm bắt chính xác nội dung vụ việc, góp phần làm cho chất lượng, hiệu quả tư vấn, TGPL được nâng cao. Đồng thời, việc cán bộ TGPL tiếp cận trực tiếp tới từng người dân trong diện được TGPL cũng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại của công dân, tránh tập trung đông người, tạo thuận lợi nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, với việc thay đổi hình thức thông tin, tuyên truyền cũng như cách thức tiếp cận này, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh sẽ gặp những khó khăn nhất định do khối lượng công việc tăng lên, trong khi nhân lực có hạn. Do đó, thời gian tới, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đặt mục tiêu tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực hiện TGPL, qua đó nâng cao chất lượng vụ việc TGPL, chú trọng vào nhóm vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhất là những người thuộc diện được TGPL, việc thay đổi hình thức thông tin, tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp với người được TGPL của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh là rất cần thiết, phù hợp, cần tiếp tục quan tâm duy trì, nhân rộng.

 

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Giải đáp pháp luật:

Đối tượng, lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý

Hỏi: Theo quy định của pháp luật, những người thuộc đối tượng nào được trợ giúp pháp lý(TGPL) miễn phí?

Trả lời: Tại Điều 7, Luật TGPL (được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017) quy định những người được TGPL gồm:

1.Người có công với cách mạng

Tại Điều 3, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định người có công với cách mạng gồm có: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em.

4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.

Hỏi: Lĩnh vực và hình thức TGPL được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 27 Luật TGPL năm 2017 thì lĩnh vực, hình thức TGPL bao gồm:

1. TGPL được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

2. Các hình thức TGPL bao gồm: Tham gia tố tụng; Tư vấn pháp luật; Đại diện ngoài tố tụng.