Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước

Tuyên truyền phổ biến Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp 2013  
Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước
Nhà nước của ta là nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Từ Hiến pháp năm 1946 đến nay đều thống nhất quan điểm đó. Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân... do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Hiến pháp không chỉ quy định Nhân dân là chủ thể của Nhà nước, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà còn quy định phương cách Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước của mình. Điều 6 Hiến pháp 2013 ghi: "Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước". 

Dân chủ trực tiếp là việc Nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước.Tức là Nhân dân thể hiện một cách trực tiếp ý chí của mình (với tư cách là chủ thể quyền lực nhà nước) về một vấn đề nào đó mà không cần thông qua cá nhân hay tổ chức thay mặt mình và ý chí đó có ý nghĩa bắt buộc phải thi hành. Hình thức biểu hiện cụ thể của dân chủ trực tiếp như ứng cử, bầu cử Quốc hội, HĐND, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trưng cầu dân ý... Các cuộc đối thoại trực tiếp của nhân dân với cơ quan Nhà nước hiện nay cũng là hình thức biểu hiện của dân chủ trực tiếp.

Ưu điểm của hình thức dân chủ trực tiếp là Nhân dân trực tiếp quyết định, phản ảnh đúng ý chí, nguyện vọng của mình nhưng hạn chế của hình thức này là nhhững vấn đề mà Nhân dân trực tiếp quyết định không nhiều vì điều kiện không cho phép.

Dân chủ trực tiếp được mở rộng đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí, nhận thức chính trị, trình độ pháp lý của nhân dân...của một nước. Ở nước ta do trải qua cuộc chiến tranh kéo dài và hiện nay đang trong quá trình xây dựng nên dân chủ trực tiếp trên thực tế mới thực hiện mức độ nhất định. Hiến pháp năm 1946, tại Ðiều 21 có quy định: "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia..." và Ðiều 32 quy định: "Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý...". Các Hiến pháp 1959, 1980, 1992  và 2013 đều có đề cập đến việc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên đến nay chúng ta chưa tổ chức được cuộc trưng cầu dân ý nào.

Nhận thức được hạn chế nói trên nên điều 6 Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi so với điều 6 của Hiến pháp năm 1992, quy định rõ hơn các phương cách Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp. (Điều 6 Hiến pháp năm 1992 quy định: Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân). Để hiện thực hóa quy định nói trên, và rút kinh nghiệm trước đây do thiếu cơ chế cụ thể nên quy định của Hiến pháp về Trưng cầu dân ý - Một nội dung của dân chủ trực tiếp - chưa được thực hiện. Lần này, sau khi có Hiến pháp năm 2013 Quốc hội khóa XIII đã đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, đã giao cho các cơ quan chuẩn bị xây dựng dự án luật trưng cầu dân ý và dự kiến sẽ trình ra Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp giữa năm 2015.

Dân chủ đại diện là hình thức Nhân dân thông qua các cơ quan nhà nước, các cá nhân được Nhân dân ủy quyền để thực hiện ý chí của Nhân dân. Dân chủ đại diện là phương thức chủ yếu để thực hiện quyền lực nhân dân. Dân chủ đại diện có ưu điểm là với hình thức này chúng ta quản lý được mọi mặt đời sống xã hội, nhưng có hạn chế là ý chí, nguỵen vọng của người dân phải qua trung gian của ngừoi đại diện, có thể bị méo mó bởi nhiều lý do  như trình độ nhận thức, quan điểm, lợi ích...

Khi nói đến tính đại diện người ta hay nghĩ đến các cơ quan dân cử, theo tôi điều đó đúng nhưng chưa đủ. Quyền lực nhà nước bao gồm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Khi nói quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì chúng ta hiểu quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp là thuộc về nhân dân. Như nói ở trên, do điều kiện không cho phép nên số lượng vấn đề nhân dân quyết định trực tiếp không nhiều, bởi vậy nhân dân lập ra và trao quyền cho các cơ quan nhà nước để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực của mình; các cơ quan này phải chịu sự giám sát của nhân dân và chỉ được thực hiện quyền lực trong giới hạn cho phép. Như vậy, cơ quan được nhân dân ủy quyền không chỉ là cơ quan dân cử mà bao gồm cả cơ quan hành pháp và tư pháp, khi hoạt động các cơ quan này với tư cách là nhân dân, đại diện nhân dân để thực thi nhiệm vụ. Nhận thức điều này có ý nghĩa trong thực tế là các cơ quan nhà nước kể cả lập pháp, hành pháp và tư pháp phải thấy rằng quyền mà các cơ quan này có được là do nhân dân trao, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Không chỉ có Quốc hội, HĐND các cấp lắng nghe ý kiến nhân dân khi ban hành luật, nghị quyết, mà các cơ quan hành pháp, tư pháp cũng phải thu thập, lắng nghe ý kiến nhân dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.

Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện là hai hình thức cơ bản để thực hiện quyền lực của nhân dân, đều có vai trò quan trọng trong nền dân chủ. Nền dân chủ phát triển thì dân chủ trực tiếp được mở rộng, ngược lại đẩy mạnh thực hiện dân chủ trực tiếp thì sẽ thúc đẩy nền dân chủ phát triển. Để Nhân dân thực sự là chủ thể của Nhà nước thì phải thực hiện tốt cả dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Trưng cầu dân ý, một nội dung quan trọng của hình thức dân chủ trực tiếp phải được luật hóa, trong đó quy định những việc gì phải do nhân dân bàn và quyết định, quy định rõ trình tự, thủ  tục, cách thức tiến hành... Các cơ quan được Nhân dân trao quyền phải thực hiện tròn trách nhiệm của mình. Các đại biểu Quốc hôi, HĐND phải thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Quốc hội và HĐND các cấp khi quyết định một vấn đề nào đó phải phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Các cơ quan hành chính và tư pháp từ trung ương xuống địa phương, người có thẩm quyền trong các cơ quan đó phải tận tụy phục vụ nhân dân, tiến hành cải cách hành chính để tạo thuân lợi cho nhân dân, không được cửa quyền hách dịch với nhân dân.

ĐỒNG HỮU MẠO

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế