Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Dân tộc và đoàn kết dân tộc: Vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Tuyên truyền phổ biến Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp 2013  
Dân tộc và đoàn kết dân tộc: Vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Điều 5, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Có thể nói, từ xưa đến nay, vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc vốn là những vấn đề lớn, phức tạp và rất nhạy cảm đối với hầu hết các quốc gia. Do việc giải quyết các vấn đề dân tộc theo nhiều quan điểm khác nhau, nên nhiều cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, can thiệp, lật đổ, khủng bố đã xảy ra, ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, ổn định chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình trên cũng tác động ít nhiều đến Việt Nam. Nhiều vấn đề về dân tộc, quan hệ dân tộc đang đặt ra đòi hỏi phải được nghiên cứu, giải quyết một cách đúng đắn, phù hợp, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, bao gồm 54 dân tộc anh em. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 86% dân số được gọi là dân tộc đa số; 53 dân tộc còn lại chiếm 14% dân số được gọi là các dân tộc thiểu số. Các dân tộc ở Việt Nam có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất.

Các dân tộc sống xen kẽ là chủ yếu, không có dân tộc nào có lãnh thổ riêng, nhưng có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Các dân tộc thiểu số Việt Nam chỉ chiếm 14% dân số, nhưng lại cư trú trên một diện tích rộng lớn của đất nước (khoảng 3/4 diện tích), chủ yếu tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đây là những nơi có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt là về an ninh quốc phòng. Các dân tộc Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng văn hóa Việt Nam.

Một điều phải khẳng định, vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Nhiều văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng, vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc. Bởi vì, đây là cơ sở để động viên nguồn lực con người, tài trí của tất cả các dân tộc; đảm bảo ổn định chính trị - xã hội cho sự phát triển; thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vượt qua được những thách thức, tận dụng được thời cơ; quyết định đến thành bại sự nghiệp cách mạng trước đây, hiện nay cũng như tương lai.

Mặt khác, trong bối cảnh chính trị-xã hội thế giới diễn biến rất phức tạp như hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng các đặc điểm trong quan hệ dân tộc-tộc người, nhất là lợi dụng tính nhạy cảm của tâm lý dân tộc, tâm lý tôn giáo, những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm kích động chia rẽ đoàn kết các dân tộc, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, việc nhận thức đầy đủ về các đặc điểm trong quan hệ dân tộc-tộc người có ý nghĩa rất lớn trong hoạch định và thực hiện đúng chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay.

Nhận thức vấn đề dân tộc và giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, nên Đảng ta đã xây dựng chính sách dân tộc, coi đó là một bộ phận hữu cơ trong chính sách của Đảng.

Vận dụng cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Đảng đã nêu ra nguyên tắc giải quyết vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc nước ta là: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Theo các nguyên tắc đó, trong quá trình giải quyết vấn đề dân tộc, cho đến nay, nước ta đã được những thành tựu cơ bản. Đó là, tập trung để phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, thông qua nhiều chính sách đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng, xã hội.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cũng đang đòi hỏi đất nước ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách, cụ thể để thực hiện tốt chính sách dân tộc và đoàn kết dân tộc. Đó là, chính sách dân tộc phải dần được cụ thể hóa thành những nội dung chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng.

Thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt quan tâm vùng gặp nhiều khó khăn, vùng trước đây là căn cứ cách mạng và kháng chiến. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi một cách phù hợp. Tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số; động viên, phát huy vai trò của người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương.

Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị. Thực hiện chính sách dân tộc gắn liền với cuộc đấu tranh chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc; chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển giữa các dân tộc - tộc người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là tư tưởng chủ đạo, định hướng cho hoạch định và thực hiện những nội dung cụ thể của chính sách dân tộc. Mọi tư tưởng kỳ thị, hẹp hòi, dân tộc cực đoan hay tự ti, mặc cảm dân tộc đều trái với quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết các quan hệ dân tộc và đoàn kết dân tộc.

Theo nguồn: Dak Nong Online