Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn kết dân tộc trong Hiến pháp

Tuyên truyền phổ biến Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp 2013  
Đoàn kết dân tộc trong Hiến pháp
Hiến pháp năm 2013 đã hiến định sâu sắc, toàn diện hơn về vấn đề dân tộc, góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 

Ghi nhận sự nỗ lực vươn lên

Ông Điểu Bảo phân tích, Hiến pháp năm 1992 hiến định: “Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc...”. Trong khi đó Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây là một trong những điểm mới quan trọng của Hiến pháp năm 2013, ghi nhận sự cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Ngoài ra, vấn đề dân tộc trong Hiến pháp năm 2013 còn được làm rõ hơn ở Điều 42, Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, như : “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”; tại Điều 61, Chương III: “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” như: “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...”.

Luôn được quan tâm

Ông Điểu Bảo cho biết thêm, trong Hiến pháp năm 2013, ngoài tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ hơn tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước còn khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực tế, trong những năm qua, Đồng Nai đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ nhà ở, đất ở, giống cây trồng, vật nuôi; cho vay vốn xóa đói giảm nghèo; các chính sách giáo dục, y tế, việc làm... Ông Đô Hô Sên, người có uy tín dân tộc Chăm ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành, chia sẻ nhờ Nhà nước quan tâm xây đường, trường học, nhà văn hóa Chăm, giới thiệu việc làm, dạy nghề tại chỗ cho phụ nữ Chăm... mà đời sống của bà con ngày càng cải thiện và nâng cao nên người dân rất phấn khởi.

Trong tháng 6 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức triển khai Hiến pháp năm 2013 cho 242 đại biểu là đồng bào người Hoa trong tỉnh. Tại buổi họp mặt, các đại biểu đều bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời khẳng định đồng bào dân tộc thiểu số luôn góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước. Bà Lầu Tài Múi, người có uy tín trong cộng đồng người Hoa ở ấp Phú Kiên, xã Phú Bình (huyện Tân Phú), bộc bạch bà rất hạnh phúc vì được sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại Việt Nam. Cộng đồng người Hoa tại Việt Nam đã coi đây là quê hương của mình. Do đó, bà luôn nghĩ mình phải có bổn phận tuyên truyền trong đồng bào người Hoa ở ấp Phú Kiên hiểu rõ và chấp hành chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như vận động bà con yên tâm làm ăn, sinh sống; đồng thời cảnh giác với các đối tượng xấu kích bác, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Đồng Nai có hơn 2,7 triệu dân với 31 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 92%, dân tộc thiểu số chiếm hơn 7%. Có 4 dân tộc tại chỗ là: Chơro, Mạ, S’Tiêng và Cơ Ho, còn lại đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh phía Bắc. Đồng bào các dân tộc thiểu số Đồng Nai có truyền thống gắn bó, đoàn kết, không có sự phân biệt giữa các dân tộc. Mỗi dân tộc đều có văn hóa, truyền thống riêng về ngôn ngữ, tập quán, lễ hội... tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc.

 

Ngọc Thư (http://baodongnai.com.vn)