Nghị định số
06/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã được sửa
đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 24/2019/NĐ-CP về rà soát, tìm
người nhận trẻ em làm con nuôi:
Trường hợp trẻ em bị
bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được cá
nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định
của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã định kỳ 06 tháng rà soát, đánh giá việc
trẻ em cần được nhận làm con nuôi.
Nếu có công dân Việt
Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, Ủy ban nhân dân cấp xã
xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định
của pháp luật.
Nếu không có công dân
Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, Ủy ban nhân dân cấp
xã có văn bản kèm theo hồ sơ trẻ em gửi Sở Tư pháp để tìm người nhận trẻ em làm
con nuôi, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để biết.
Trường hợp trẻ em bị
bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa sống ở cơ sở
nuôi dưỡng thì cơ sở nuôi dưỡng đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con
nuôi, lập hồ sơ trẻ em bao gồm các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1
Điều 18 của Luật Nuôi con nuôi, xin ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội đối với cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp
huyện đối với cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý cấp huyện.
Trong thời hạn 05
ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến gửi Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ
trẻ em để thông báo tìm người nhận con nuôi.
Việc tìm người nhận
trẻ em làm con nuôi được thực hiện như sau:
a) Khi tiếp nhận hồ
sơ trẻ em theo quy định, nếu có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước đăng
ký nhu cầu nhận con nuôi theo quy định tại Điều 16 của Luật Nuôi con nuôi, Sở
Tư pháp kiểm tra điều kiện của người nhận con nuôi trước khi giao 01 bộ hồ sơ
trẻ em cho người nhận con nuôi và giới thiệu người nhận con nuôi đến Ủy ban
nhân dân cấp xã nơi có thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi để xem xét, giải
quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không có
công dân Việt Nam thường trú ở trong nước đăng ký nhu cầu nhận con nuôi, Sở Tư
pháp thông báo tìm người nhận trẻ em làm con nuôi theo phương thức và thời hạn
quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 của Luật Nuôi con nuôi;
b) Trong thời hạn
thông báo trên phạm vi cấp tỉnh, nếu có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước
đăng ký nhu cầu nhận con nuôi theo quy định tại Điều 16 của Luật Nuôi con nuôi,
Sở Tư pháp thực hiện theo quy định tại điểm a nêu trên.
Sau khi hết thời hạn
thông báo, nếu không có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em
làm con nuôi, Sở Tư pháp gửi danh sách trẻ em cho Bộ Tư pháp để thông báo tìm
người nhận con nuôi theo phương thức và thời hạn quy định tại điểm d khoản 2 Điều
15 của Luật Nuôi con nuôi;
c) Trong thời hạn
thông báo trên phạm vi toàn quốc, nếu công dân Việt Nam thường trú ở trong nước
có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận trẻ em làm con nuôi thì liên hệ với Sở Tư
pháp để thực hiện theo quy định tại điểm a nêu trên.
Hết thời hạn thông
báo trên phạm vi toàn quốc mà không có công dân Việt Nam thường trú trong nước
nhận trẻ em làm con nuôi, đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng, Bộ Tư pháp
thông báo cho Sở Tư pháp để thực hiện xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi
nước ngoài.
Đối với trẻ em đang
được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng, trường hợp không có công
dân Việt Nam thường trú trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, Bộ Tư pháp thông
báo cho Sở Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở
nuôi dưỡng nếu trẻ em không được chăm sóc thay thế bằng hình thức phù hợp khác
theo quy định pháp luật. Trường hợp cơ sở nuôi dưỡng đánh giá việc trẻ em cần
được nhận làm con nuôi, lập hồ sơ trẻ em theo quy định tại khoản 2 Điều này thì
không phải thực hiện lại việc thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm
con nuôi;
d) Nội dung thông báo
tìm người nhận trẻ em làm con nuôi phải bảo đảm quyền về đời sống riêng tư, bí
mật cá nhân, bí mật gia đình của trẻ em theo quy định pháp luật.