* Cơ quan ban hành: Chính phủ
* Ngày ban hành: 04/10/2024
* Ngày có hiệu lực: 04/10/2024
* Văn bản hết hiệu lực: Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 về xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực đất đai; Điều 1 Nghị định số
04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ
sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ
* Nội dung chính
Ngày
04/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, quy định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
- Mức phạt tiền tối đa
đối với hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 123/2024/NĐ-CP
không vượt quá mức phạt tiền tối đa theo quy định của Luật Xử lý vi phạm
hành chính 2012.
(Cụ thể, theo Điều
24 Luật Xử lý vi phạm
hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 10 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm
hành chính sửa đổi 2020 quy định:
+ Đối với cá nhân: Phạt
tiền đến 500.000.000 đồng
+ Đối với tổ chức: Phạt
tiền đến 1.000.000.000 đồng)
- Mức phạt tiền quy định
tại Chương II của Nghị định 123/2024/NĐ-CP áp dụng đối với cá nhân (trừ khoản
4, 5, 6 Điều 18, khoản 1 Điều 19, điểm b khoản 1 và khoản 4 Điều 20, Điều 22,
khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Nghị định 123/2024/NĐ-CP ).
Mức phạt tiền đối với tổ
chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành
chính.
- Việc xác định mức phạt
cụ thể căn cứ vào mức phạt của từng hành vi quy định tại Nghị định
123/2024/NĐ-CP và tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm
hành chính 2012 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi
phạm hành chính.
- Mức phạt tiền theo
thẩm quyền quy định tại Điều 30 và Điều 31 Nghị định 123/2024/NĐ-CP được áp
dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Mức phạt tiền theo
thẩm quyền đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức
phạt tiền đối với cá nhân.
- Việc xử phạt vi phạm
hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp có giao dịch
về chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng
đất thực hiện như sau:
+ Trường hợp vi phạm
hành chính xảy ra trước khi chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển quyền sử
dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính và phải thực hiện các biện pháp khắc
phục hậu quả đối với hành vi vi phạm do mình gây ra theo quy định.
Trường hợp bên chuyển
quyền là tổ chức đã giải thể, phá sản, cá nhân đã chết không có người thừa kế
hoặc chuyển đi nơi khác mà được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận tại thời điểm
phát hiện hành vi vi phạm không xác định được địa chỉ và không thuộc trường hợp
Nhà nước thu hồi đất thì bên nhận chuyển nhượng không bị xử phạt vi phạm hành
chính nhưng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do bên chuyển quyền gây
ra.
Bên nhận chuyển quyền bị
xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với
các hành vi vi phạm do mình gây ra (nếu có);
+ Trường hợp chuyển đổi
quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành
chính đối với cả hai bên chuyển đổi quyền sử dụng đất;
+ Trường hợp chuyển
nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến
động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với bên nhận chuyển quyền sử
dụng đất;
+ Trường hợp cho thuê,
cho thuê lại, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện, không đăng
ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với người đã cho thuê,
cho thuê lại, thế chấp.
* Trách nhiệm thực hiện của địa phương:
- Trách nhiệm
xây dựng thể chế:
+ Ban
hành văn bản mới: Không.
+ Bãi bỏ văn bản địa phương đã ban hành: Không.
- Trách nhiệm khác: Không
- Cơ quan tham mưu: Sở Tài nguyên và Môi trường.