Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghị định 44/2025/NĐ-CP quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước

Giới thiệu văn bản mới Nghị định của Chính phủ  
Nghị định 44/2025/NĐ-CP quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước

* Ngày ban hành: 28/02/2025.

* Ngày có hiệu lực: 15/04/2025.

* Văn bản quy phạm pháp luật bị thay thế:  

* Nội dung chính:

Nghị định này quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:

 Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp.

 Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp.

Lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.

Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.

Căn cứ quy định tại Nghị định này, pháp luật về lao động, việc làm, Điều lệ hoạt động và chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp quyết định việc tuyển dụng, sử dụng lao động, xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng và trả lương, thưởng cho người lao động theo vị trí chức danh hoặc công việc, bảo đảm trả lương, thưởng thỏa đáng, không hạn chế mức tối đa đối với chuyên gia, người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đóng góp nhiều cho doanh nghiệp.

Theo đó, việc xác định quỹ tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước được thực hiện như sau:

- Quỹ tiền lương kế hoạch được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương ổn định và chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh kế hoạch hằng năm doanh nghiệp lựa chọn tính đơn giá tiền lương ổn định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 44/2025.

- Quỹ tiền lương thực hiện được xác định gắn với năng suất lao động, lợi nhuận thực hiện hằng năm so với năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện bình quân của các năm liền trước khi xác định đơn giá tiền lương ổn định (sau đây gọi là năng suất lao động bình quân và lợi nhuận bình quân) như sau:

+ Quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương ổn định và chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tính đơn giá tiền lương thực hiện hằng năm, bảo đảm mức tăng tiền lương không vượt quá mức tăng năng suất lao động thực hiện của năm đó so với năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện năm đó không thấp hơn lợi nhuận bình quân;

+ Đối với doanh nghiệp có lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận bình quân thì được tăng thêm tiền lương vào quỹ tiền lương thực hiện quy định tại điểm a khoản này theo nguyên tắc vượt 1% lợi nhuận thì được tăng thêm tối đa 2% quỹ tiền lương, nhưng tiền lương tăng thêm không quá 20% phần lợi nhuận vượt kế hoạch và không quá 02 tháng tiền lương bình quân xác định trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định 44/2025;

+ Đối với doanh nghiệp có lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận bình quân thì phải giảm trừ quỹ tiền lương thực hiện tương ứng theo tỷ lệ (%) hoặc theo giá trị tuyệt đối của phần lợi nhuận thực hiện thấp hơn so với lợi nhuận bình quân, bảo đảm quỹ tiền lương thực hiện sau khi giảm trừ không thấp hơn quỹ tiền lương tính trên cơ sở số lao động bình quân thực tế sử dụng và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 44/2025;

+ Đối với doanh nghiệp năm thực hiện không có lợi nhuận hoặc lỗ thì quỹ tiền lương thực hiện được tính trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 44/2025.

Trường hợp giảm lỗ (kể cả năm thực hiện không có lợi nhuận) so với lợi nhuận bình quân thì căn cứ vào mức độ giảm lỗ để xác định quỹ tiền lương, bảo đảm tương quan chung và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.

Tin liên quan