
Ngày 03/7/2023, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt
động tố tụng tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm công tác phối
hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Tham dự Hội nghị có đồng
chí Bùi Đức Thái - Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp
pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Nam (gọi tắt là Hội đồng) chủ trì Hội nghị
và có đại diện các ngành là thành viên, tổ giúp việc: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh, Sở Tài chính; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước,
luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý và Trợ giúp viên pháp lý...

Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp
liên ngành 06 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2023
và trao đổi các ý kiến thảo luận, đồng chí Bùi Đức Thái - Giám đốc Sở Tư pháp,
Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị đã kết luận: Các cơ quan tiến hành tố tụng,
người tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã thực hiện tốt các quy định
của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC (Thông tư
liên tịch số 10), đặc biệt là kể từ khi thực hiện Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TGPLTT
ngày 12/10/2021 giữa Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện kiểm
sát nhân dân tỉnh về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Các cơ quan tiến
hành tố tụng 02 cấp, các thành viên Hội đồng đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố
tụng phối hợp tích cực với Trung tâm Trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp
pháp lý cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý, kết quả phối hợp năm sau tốt hơn
năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã thụ lý, giải quyết 92 vụ việc
tăng 10 vụ so với 6 tháng đầu năm 2022, trong đó các cơ quan tiến hành tố tụng
chuyển đến 80 vụ việc (Cơ quan điều tra chuyển từ giai đoạn điều tra nhiều vụ
việc nhất 59 vụ). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại và hạn chế cần
khắc phục như: Số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc,
vụ án được trợ giúp pháp lý miễn phí còn thấp hơn so với lượng vụ việc, vụ án
các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành thụ lý, giải quyết trên thực tế; các
vụ án dân sự, hành chính còn chiếm tỷ lệ thấp... Đồng thời, đồng chí đề nghị cần tiếp tục triển khai hiệu quả Luật trợ giúp
pháp lý, Thông tư liên tịch số 10 và Quy chế 02/QCPH-TGPLTT đến từng cán bộ,
công chức, viên chức thuộc các cơ quan phối hợp liên ngành; tăng cường hơn nữa
mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong Hội đồng để không bỏ
sót đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý./.