Theo đó, Nghị định số 62/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn
trong lĩnh vực điện, bao gồm: Khoản 5 Điều 67; khoản 10 Điều 68; khoản 9 Điều
69; khoản 2 Điều 72; Điều 74; khoản 7 Điều 75; khoản 6 Điều 76; khoản 5 Điều
77; khoản 8 Điều 78. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện
hoặc có các hoạt động khác liên quan đến điện lực tại Việt Nam.
Quy định chung về bảo vệ công trình điện lực
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp
thời cho cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị điện lực khi phát hiện hành vi trộm
cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện, trèo lên
cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không
có nhiệm vụ.
- Không sử dụng công trình điện lực vào những mục đích khác
khi chưa được sự thỏa thuận của đơn vị quản lý công trình điện lực.
- Không lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo,
nhà lồng, nhà lưới, biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí
mà khi bị đổ, rơi, văng, rung lắc gây hư hỏng, sự cố công trình điện lực.
- Tổ chức, cá nhân không đào đất, chất tải hoặc hoạt động
gây sụt lún hoặc có nguy cơ gây sạt lở, lún sụt công trình lưới điện, trạm
điện; không đốt nương rẫy, rác thải, vật liệu, sử dụng các phương tiện thi công
gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình điện lực; không
bắn, quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện và các công trình
điện lực khác.
- Không thực hiện nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy
nổ, các chất hóa học có khả năng gây ăn mòn hoặc có khả năng làm cháy, gây hư
hỏng các bộ phận của công trình điện lực.
- Phương tiện bay được cấp phép phải bảo đảm khoảng cách an
toàn đối với công trình điện lực, không được phép bay vào phạm vi 500 m tính từ
mép ngoài công trình lưới điện cao áp, siêu cao áp trên không hoặc 100 m tính
từ mép ngoài công trình lưới điện trên không trung áp ra các phía xung quanh,
trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường
dây điện được phép theo quy định.
Bảo vệ an toàn nhà máy phát điện và công trình điện lực khác
- Yêu cầu chung về bảo vệ an toàn nhà máy điện và công trình
điện lực khác
+ Phải được bảo vệ nghiêm ngặt, xung quanh phải có tường rào
hoặc biện pháp bảo vệ để ngăn chặn người không có nhiệm vụ vào nhà máy phát
điện, công trình điện lực khác; lắp đặt biển báo an toàn điện theo quy định
pháp luật;
+ Phòng đặt trang thiết bị điện phải có biển báo khu vực
nguy hiểm, đường thoát hiểm, hệ thống chiếu sáng đầy đủ, hệ thống thông gió làm
mát thiết bị, cửa thông gió phải có lưới bảo vệ chống sự xâm nhập của các loài
động vật;
+ Tùy theo đặc tính kỹ thuật và yêu cầu bảo vệ của từng loại
trang thiết bị điện, phải đặt lưới bảo vệ, vách ngăn và treo biển báo an toàn
điện; phải bảo đảm khoảng cách an toàn từ lưới bảo vệ hoặc vách ngăn đến phần
mang điện của trang thiết bị và có các biện pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu
của môi trường đến hoạt động của trang thiết bị điện;
+ Hệ thống cáp điện trong nhà máy phát điện, công trình điện
lực khác phải được sắp xếp trật tự theo chủng loại, tính năng kỹ thuật, cấp
điện áp và được đặt trên các giá đỡ. Cáp điện đi qua khu vực có ảnh hưởng của
nhiệt độ cao phải được cách nhiệt và đi trong ống bảo vệ;
+ Hầm cáp, mương cáp phải có nắp đậy kín, thoát nước tốt,
bảo quản sạch sẽ, khô ráo. Không được để nước, dầu, hóa chất, tạp vật tích tụ
trong hầm cáp, mương cáp. Hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng điện áp an toàn phù
hợp với quy chuẩn kỹ thuật điện và an toàn điện;
+ Các trang thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất trong
nhà máy điện và các công trình điện lực khác phải được lắp đặt đúng thiết kế và
được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật về kỹ
thuật điện và an toàn điện.
- Công trình điện gió phải tuân thủ các quy định tại khoản 1
Điều 7 Nghị định này và các quy định an toàn sau:
+ Chủ đầu tư công trình điện gió có trách nhiệm công bố công
khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió;
+ Cột tháp gió, tuabin gió phải có tín hiệu cảnh báo hàng
không theo quy định pháp luật về hàng không. Cánh quạt gió phải có dấu hiệu
nhận biết phù hợp;
+ Đối với công trình điện gió trên biển, chủ đầu tư có trách
nhiệm thiết lập, duy trì hệ thống quản lý an toàn bảo đảm kiểm soát các rủi ro
trong toàn bộ hoạt động của công trình điện gió trên biển và thực hiện báo hiệu
hàng hải theo quy định pháp luật về hàng hải Việt Nam. Trong phạm vi 02 hải lý
tính từ mép ngoài cùng của cột tháp gió, trạm biến áp, cầu dẫn cáp điện và các
hạng mục phụ trợ của công trình điện gió các tàu thuyền không có nhiệm vụ không
được thả neo, bảo đảm an toàn cột tháp gió;
+ Tổ chức, cá nhân sử dụng đất, mặt nước hợp pháp trong phạm
vi hành lang bảo vệ an toàn công trình nguồn điện khi triển khai các hoạt động
trong phạm vi trên mặt đất, dưới lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước thuộc
hành lang bảo vệ an toàn công trình nguồn điện phải có trách nhiệm bảo đảm an
toàn kỹ thuật cho công trình nguồn điện và có sự thỏa thuận với chủ công trình
nguồn điện về các biện pháp bảo đảm an toàn kỹ thuật cho công trình theo quy
định.
Trách nhiệm huấn luyện, sát hạch và cấp thẻ an toàn điện
- Người làm công việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, quản lý,
vận hành hệ thống điện, công trình điện lực, kiểm định, thí nghiệm, xây lắp,
sửa chữa đường dây điện hoặc thiết bị điện phải được huấn luyện, sát hạch và
cấp thẻ an toàn điện.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức hoặc thuê
đơn vị đủ năng lực tổ chức huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện cho người
lao động thuộc đối tượng tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này.
- Hoạt động huấn luyện an toàn điện được tổ chức riêng hoặc
kết hợp với các hoạt động huấn luyện an toàn khác được pháp luật quy định.
Tổ chức huấn luyện an toàn điện
- Người sử dụng lao động, đơn vị tổ chức huấn luyện có trách
nhiệm:
+ Xây dựng tài liệu huấn luyện, sát hạch và quy định thời
gian huấn luyện phù hợp với bậc an toàn và vị trí công việc của người lao động;
+ Lựa chọn người huấn luyện, sát hạch bảo đảm năng lực theo
quy định tại khoản 2 Điều này;
+ Tổ chức huấn luyện, sát hạch, xếp bậc và cấp thẻ an toàn
điện cho người lao động sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả kiểm
tra phần lý thuyết hoặc phần thực hành không đạt yêu cầu thì phải huấn luyện
lại phần chưa đạt;
+ Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện, sát hạch, xếp bậc
và cấp thẻ an toàn điện tại đơn vị.
- Người huấn luyện, sát hạch về an toàn điện
+ Người huấn luyện, sát hạch phần lý thuyết phải có trình độ
đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 05 năm kinh
nghiệm công tác phù hợp với chuyên ngành đó;
+ Người huấn luyện, sát hạch phần thực hành có trình độ cao
đẳng trở lên, thông thạo và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp
với chuyên ngành huấn luyện.
- Hình thức và thời gian huấn luyện, sát hạch
+ Hình thức huấn luyện: Huấn luyện phần lý thuyết được thực
hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; huấn luyện phần thực hành
được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp;
+ Huấn luyện lần đầu: Thực hiện khi người lao động mới được
tuyển dụng. Thời gian huấn luyện lần đầu ít nhất 24 giờ;
+ Huấn luyện định kỳ: Thực hiện trong hạn tối đa 2 năm kể từ
ngày người lao động được huấn luyện lần gần nhất. Thời gian huấn luyện định kỳ
ít nhất 08 giơ;
+ Huấn luyện lại: Khi người lao động chuyển đổi vị trí công
việc hoặc thay đổi bậc an toàn hoặc có sự thay đổi thiết bị, công nghệ; khi kết
quả kiểm tra của người lao động không đạt yêu cầu hoặc khi người lao động đã
nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên sau đó trở lại làm việc. Thời gian huấn luyện
lại ít nhất 08 giờ.
- Tùy theo điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động có thể
tổ chức huấn luyện riêng về an toàn điện theo nội dung quy định tại Nghị định
này hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động,
phòng cháy chữa cháy hoặc phối hợp với đơn vị huấn luyện khác được pháp luật
quy định.
Nghị định quy định một số điều khoản chuyển tiếp như sau:
- Đối với quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án
bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp được
phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực
hiện đến khi phê duyệt lại.
- Đối với quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án
bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đã
trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi
hành thì tiếp tục được thẩm định, ban hành theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP
ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa
nước.
- Đối với các công trình thủy điện nhỏ có đập cao từ 5 m đến
dưới 10 m hoặc có dung tích hồ chứa từ 50.000 m3 đến dưới 500.000 m3 đã đi vào
hoạt động trước ngày có hiệu lực của Nghị định này, chủ sở hữu công trình thủy
điện có trách nhiệm lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê
duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy
điện và phương án ứng phó tình huống khẩn cấp trong thời gian tối đa 2 năm kể
từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
- Đối với công trình thủy điện nhỏ có đập cao dưới 5 m hoặc
hồ chứa có dung tích dưới 50.000 m3, chủ đầu tư công trình thủy điện có trách
nhiệm tự phê duyệt và chịu trách nhiệm về quy trình vận hành, phương án bảo vệ
đập, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp và các biện pháp quản lý an toàn
đập, hồ chứa thủy điện và vùng hạ du đập phù hợp với quy định của pháp luật về
điện lực và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Các tổ chức, cá nhân khi triển khai dự án, hoạt động sản
xuất, kinh doanh trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trước ngày có hiệu
lực của Nghị định này phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về an toàn đập, hồ chứa
thủy điện tại khoản 1 Điều 47 Nghị định này mới được phép tiếp tục hoạt động.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Nghị định sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi
hành: Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; Nghị định số
51/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.