Hòa
giải là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hoạt động hòa giải
mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền
tảng pháp luật. Mục đích của hòa giải ở cơ sở là nhằm gắn kết tình làng, nghĩa
xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, hàn gắn vun đắp
sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi
nhà, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp
hành pháp luật của người dân.
Công
tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Nam luôn được sự quan tâm chú trọng của
cấp uỷ Đảng, chính quyền, đặc biệt trong công tác kiện toàn tổ chức hoà giải ở
cơ sở. Trong
năm 2019, đã kiện toàn 689 tổ hoà giải, giảm 486 tổ so với năm 2018; tổng số
hoà giải viên là 4.819, giảm 2.133 hoà giải viên so với năm 2018. Để kịp thời bồi
dưỡng, tập huấn kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên sau khi được kiện toàn, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành
phố tổ chức 09 lớp tập huấn
nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở cho tổ trưởng các tổ hòa giải
trên địa bàn tỉnh, hòa giải viên của các tổ hòa giải ở một số địa phương. Nội
dung tập huấn tập trung vào các quy định về trình tự, thủ tục hòa giải; các quy
định pháp luật liên quan trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; kỹ năng hòa giải và
các lưu ý trong quá trình tham gia hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra các hòa giải viên
còn có thể cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật do Sở Tư pháp giới thiệu,
đăng tải trên Trang Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, Trang Thông tin điện
tử của Sở và thông qua các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Sở tại địa
phương.
Trên cơ sở những kiến
thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải đã được trang bị, cùng với tinh thần trách
nhiệm cao với cộng đồng, bằng uy tín kết hợp với việc vận dụng linh hoạt các
phương thức hoà giải, trong những năm qua các hoà giải viên cơ sở đã có nhiều
việc làm thiết thực, góp phần giải quyết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh
trong đời sống sinh hoạt hằng ngày tại cộng đồng dân cư. Góp phần xây dựng tình
làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại
đoàn kết toàn dân. Trong năm 2019, các tổ hòa giải đã hòa giải thành công
667/828 vụ việc liên quan đến mâu thuẫn gia đình, xích mích hàng xóm, tranh chấp
đất đai... Tỷ lệ hòa giải thành công đạt 80,6% tổng số vụ việc hòa giải.
Để nâng cao hiệu quả
công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy đảng,
chính quyền các cấp cần xác định đúng vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở
cơ sở, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai
trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp, nhất là trong việc phối hợp với Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc các cấp. Cùng với đó, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất
lượng Tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến
thức pháp luật để nâng cao nhận thức cho các hòa giải viên về đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời
sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải; kịp thời nắm bắt những khó
khăn, vướng mắc của các tổ hòa giải trong quá trình thực hiện hòa giải để kịp
thời tư vấn, hỗ trợ cho các hòa giải viên để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động hòa giải. Mỗi địa phương cần chú trọng tới việc hỗ trợ các nguồn lực cần
thiết để hỗ trợ các tổ hòa giải trong triển khai công tác hòa giải. Đặc biệt, cần
tăng cường phổ biến sâu rộng pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa
nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác
này. Để người dân chọn lựa giải pháp hòa giải ở cơ sở phổ biến, chủ yếu hơn
trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cuộc sống. Có như vậy, công
tác hòa giải ở cơ sở mới gắn chặt với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở
khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp
luật ở cơ sở./.