Nghị định số
59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp
luật quy định cụ thể về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hoạt động
theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước
trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tuy nhiên, khái niệm theo
dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn còn tương đối mới mẻ đối với nhiều cơ
quan, ban ngành; nhiều nơi gần như không có khái niệm về vấn đề này.
Theo dõi thi
hành pháp luật bao gồm các hoạt động nhằm
theo sát, nắm bắt được toàn bộ quá trình triển khai, tổ chức thực hiện đưa pháp
luật vào thực thi trong đời sống xã hội để xử lý, khắc phục kịp thời các vấn đề
bất cập, hạn chế phát sinh. Cụ thể việc theo dõi thi hành pháp luật sẽ bao gồm
việc theo dõi quá trình tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thi hành
Hiến pháp và pháp luật; theo dõi quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến
nghị của công dân; theo dõi tình hình ban hành văn bản pháp luật, kế hoạch để
thực hiện; theo dõi tình hình phổ biến giáo dục pháp luật.
Chủ thể theo
dõi thi hành pháp luật có thể là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và người dân sẽ
xem xét, đánh giá quá trình thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, đồng
thời kiến nghị các biện pháp, giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, bất
cập trong quá trình thực thi cũng như nâng cao hiệu quả việc thi hành pháp luật.
Không chỉ cán
bộ, công chức Nhà nước, mà người dân, tổ chức, cá nhân cũng được trao quyền
trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nghị định thể hiện “huy động sự
tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội -
nghề nghiệp và nhân dân” là một trong năm nguyên tắc cơ bản trong theo dõi tình
hình thi hành pháp luật. Sự tham gia của tổ chức, cá nhân còn được cụ thể hóa ở
nhiều điều, khoản trong nghị định. Chẳng hạn như quy định về “sự tham gia của
các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật”, về
“thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật”…
Xác định vai
trò của công tác theo dõi thi hành pháp luật trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu
quả quản lý Nhà nước ở địa phương, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Nam luôn quan
tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ; việc ban hành các văn bản quy định
chi tiết đã được thực hiện đúng thẩm quyền, tuân thủ đúng các quy định pháp luật
hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ qua đó góp phần nâng cao ý thức
tuân thủ pháp luật của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân
dân tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 3073/KH-UBND ngày 22/12/2017 về theo
dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2018. Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật
năm 2018 tập trung vào các lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật về thực hiện thủ
tục hành chính; về xử lý vi phám hành chính, về lĩnh vực chứng thực, về việc thực
hiện các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành liên quan
đến cơ chế, chính sách; doanh nghiệp, người dân; kiểm tra việc thực hiện các
quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Kế hoạch đã giao
nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban
nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực
hiện kế hoạch, phối hợp với Sở Tư pháp để thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã ban
hành.
Trên cơ sở Kế
hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành đã ban hành Kế hoạch triển khai
thực hiện; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tham mưu cho UBND huyện, thành
phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương.
Trong
năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày
05/4/2018 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về theo dõi thi hành pháp
luật trên địa bàn tỉnh năm 2018 (thành viên Đoàn kiểm tra gồm Sở Tư pháp chủ
trì, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh).
Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra các hồ sơ về việc thực hiện thủ
tục hành chính; các hồ sơ về xử lý vi phạm hành chính tại các huyện Kim Bảng,
huyện Bình Lục và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, qua kiểm tra
đoàn đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế của các đơn vị đồng thời kiến nghị các
biện pháp xử lý, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Thông qua kết quả kiểm tra
theo dõi thi hành pháp luật Đoàn kiểm tra có báo cáo về kết quả kiểm tra, đồng
thời đề nghị các cơ quan được kiểm tra tổ chức khắc phục những hạn chế; kiến
nghị UBND tỉnh chỉ đạo để triển khai hiệu quả các quy định của pháp thuộc lĩnh
vực kiểm tra.
Để khắc phục
những khó khăn, hạn chế trong công tác theo dõi THPL, đáp ứng với tình hình thực tiễn, đánh giá hiệu
quả và khả năng thực thi của các chính sách pháp luật, đẩy mạnh việc tuân thủ
pháp luật của các cơ quan, tổ chức và của người dân, UBND tỉnh Hà Nam đã ban
hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường chỉ đạo đối với công
tác theo dõi THPL: Kế hoạch số 912/KH-UBND ngày 16
tháng 4 năm 2018 của UBND tỉnh Hà Nam triển khai Đề án đổi mới, nâng cao hiệu
quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 - 2022 trên địa bàn
tỉnh Hà Nam; Kế hoạch 1598/ KH - UBND
ngày 18/6/2018 điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật năm 2018
trên địa bàn tỉnh Hà Nam. UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tổ chức điều tra, khảo sát
30 xã xây dựng nông thôn mới, nội dung khảo sát về việc thực hiện thủ tục hành
chính, chuẩn tiếp cận pháp luật, xử lý vi phạm hành chính và xây dựng báo cáo
điều tra khảo sát đối với các địa bàn, cơ sở đã khảo sát.
Nhằm nâng cao
hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban
hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30 tháng
7 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng
trong việc nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi
hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.Trên cơ sở chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 2415/KH-UBND ngày
27/8/2018 về triển khai Chỉ thị số 22-CT/TU
ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của
các cấp ủy đảng trong việc nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, theo
dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó chỉ đạo các Sở,
ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai hiệu quả,
phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Nhìn chung,
công tác theo dõi thi hành pháp luật đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng
và hoàn thiện hệ thống thế chế của tỉnh, góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh
cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chấp hành, thực thi
chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.