Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Câu hỏi: Cán bộ, công chức, viên chức có được góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp không?

Giải đáp pháp luật  
Câu hỏi: Cán bộ, công chức, viên chức có được góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp không?

Vấn đề bạn hỏi, xin trả lời như sau (Trả lời với tính chất để tham khảo)

Theo quy định tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì cán bộ, công chức, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (khoản 2); Cán bộ, công chức, viên chức có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh trừ các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (khoản 3).

Tại Khoản 18, 19 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Người thành lập doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp

Theo khoản 3 Điều 14 Luật viên chức về quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định: “Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác

Tại Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 có quy định:          

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.  

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;  

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp;

Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

Như vậy, từ những phân tích trên thì cán bộ, công chức, viên chức không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, chỉ có thể tham gia góp vốn ở từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể là:

- Đối với công ty cổ phần, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn mà không được tham gia với tư cách là người trong hội đồng quản trị hay ban kiểm soát của doanh ngiệp;

- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thì cán bộ, công chức, viên chức không thể tham gia góp vốn ở loại hình doang nghiệp này vì loại hình doang nghiệp này khi tham gia đồng nghĩa với tư cách là thành viên mà có tư cách thành viên là có vai trò quản lý trong đó;

- Đối với công ty hợp danh thì cán bộ, công chức, viên chức chỉ có thể tham gia với tư cách là thành viên hợp vốn không được tham gia với tư cách hợp danh. Chỉ có tư cách hợp vốn thì họ mới không có khả năng quản lý doanh nghiệp./.

 

Phòng PBGDPL
Tin liên quan