Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Để Hiến pháp mới đi nhanh vào cuộc sống

Những nội dung cơ bản của Hiến pháp  
Để Hiến pháp mới đi nhanh vào cuộc sống
(Chinhphu.vn) – Tại Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp ngày 8/1/2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả một hệ thống chính trị trong năm 2014

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. 

Xây dựng một bản Hiến pháp “vang vọng tiếng dân” đã khó, nhưng khó khăn không kém là việc triển khai thi hành Hiến pháp, đưa các điều khoản của Hiến pháp vào thực tiễn của cuộc sống; và đó mới là mục đích của việc xây dựng Hiến pháp.

Để việc triển khai thi hành Hiến pháp nhanh chóng và có hiệu quả, người viết đề xuất một số biện pháp sau.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp

Theo đó, cơ quan Trung ương và địa phương tiến hành rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật đã ban hành để phát hiện những quy định trái Hiến pháp phải bị dừng thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật để cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp.

Ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; lập danh mục xác định lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Triển khai thực hiện những điều khoản của Hiến pháp mà không cần phải chờ văn bản hướng dẫn

Bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, khắc phục tình trạng các qui định của Hiến pháp, nhất là quyền hiến định qui định trong chương “Quyền con người”, “Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân” phải chờ luật cụ thể hóa, các cơ quan Nhà nước cần xem xét, phân loại các chương, điều, khoản của Hiến pháp. Với những qui định, những điều, khoản đã rõ ràng thì cần áp dụng trực tiếp mà không cần chờ các văn bản hướng dẫn (nhìn chung, trừ các quyền có qui định “việc thực hiện các quyền này do luật định”, “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, “…theo luật định”, “…theo quy định của pháp luật”, các qui định về quyền con người, quyền công dân cần được triển khai thực hiện ngay mà không cần chờ văn bản hướng dẫn).

Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước phù hợp với các qui định của Hiến pháp

Các thiết chế hiến định như Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới theo quy định của Hiến pháp.

Tương tự như vậy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được thành lập theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp.

Từ 1/1/2014, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp.

Cũng từ 1/1/2014, những công việc đang được cơ quan Nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan Nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp sửa đổi thì phải chuyển giao cho cơ quan Nhà nước đó để tiếp tục giải quyết.

Tuyên truyền sâu rộng nội dung của Hiến pháp

Chỉ khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc về Hiến pháp thì đây sẽ là cơ sở bảo đảm Hiến pháp được thực thi nghiêm túc và hiệu quả. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và các tầng lớp nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài về Hiến pháp là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Cơ quan Nhà nước các cấp, MTTQVN và các cơ quan hữu quan khác tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung của Hiến pháp tại cơ quan, tổ chức và địa phương mình nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các cơ quan thông tấn, báo chí có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp để tuyên truyền nội dung của Hiến pháp, nhất là những điểm mới được bổ sung; tổ chức tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên về Hiến pháp; giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp đến mọi tầng lớp nhân dân.

Rõ ràng, một vấn đề rất quan trọng là nâng cao khả năng tiếp cận quyền của người dân. Hiến pháp, pháp luật đã ghi nhận các quyền cơ bản nhưng việc người dân có thể tiếp cận, sử dụng Hiến pháp, pháp luật để bảo vệ quyền của mình hay không phụ thuộc rất lớn vào sự hiểu biết, cơ chế, thủ tục bảo đảm thực thi các quyền. Vấn đề này đặt ra trách nhiệm đối với các cơ quan Nhà nước, từ việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung mới của Hiến pháp đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy để bảo đảm thực thi. Mặt khác, phải tuyên truyền, phổ biến làm cho toàn dân quan tâm đến việc thực hiện Hiến pháp, trong đó có việc thực hiện và bảo vệ quyền lợi hiến định của chính họ, vì nhân dân chính là chủ thể thực thi và giám sát việc thực thi Hiến pháp.

Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý có vai trò đặc biệt quan trọng không những đối với Nhà nước mà cả hệ thống chính trị. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước. Vì thế, các cơ quan làm công tác tư tưởng, văn hóa, báo chí, xuất bản, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đảng, các nhà khoa học cần đi đầu trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù định; góp phần tạo sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phê phán những nhận thức sai trái, lệch lạc, mơ hồ về Hiến pháp.

Chỉnh lý, biên soạn lại sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về Hiến pháp và pháp luật

Các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhất là các viện nghiên cứu về Nhà nước và pháp luật, các trường đại học và các cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định mới của Hiến pháp để có kế hoạch biên soạn lại sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về Hiến pháp. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp phục vụ công tác đối ngoại.

Vì triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nên các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch việc thực thi ở cấp, ngành, cơ quan, đơn vị mình; thường xuyên đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Hiến pháp để các quy định của Hiến pháp được thực hiện nghiêm minh, sớm đi vào thực tiễn.

 

GS.TS Mai Hồng Quỳ

                                                                         Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM