Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tình hình tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2020

Tin tức - Sự kiện  
Tình hình tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2020

Năm 2020, Sở Tư pháp Hà Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng dưới nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền tập trung vào trách nhiệm của các cấp, các ngành và vai trò của công chứng; rà soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 11 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động  được bố trí tại 6/6 huyện, thành phố, thị xã với 19 công chứng viên. Với số lượng công chứng viên như hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, công dân trong việc thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch. Năm 2020, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh cho phép thành lập 01 Văn phòng công chứng tại thị xã Duy Tiên và cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng công chứng này; cấp lại Giấy đăng ký hoạt động cho 01 Văn phòng công chứng (do thay đổi trụ sở); đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm 02 công chứng viên; triển khai phần mềm quản lý thông tin công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng... Ngoài ra, thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, có thêm 02 Phòng công chứng chuyển đổi thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn. Theo đó, 4/4 Phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã chuyển đổi thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW và Nghị quyết số 19/NQ-TW.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số khó khăn, vướng mắc như: Hoạt động của một số tổ chức hành nghề công chứng tính chuyên nghiệp vẫn còn yếu, chưa có sự liên kết trong hành nghề. Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu công chứng mặc dù đã  hoàn thiện nhưng chưa triển khai cho nên chưa có cơ sở dữ liệu thông tin chung về các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng đã hạn chế quá trình trao đổi thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng, các Văn phòng đăng ký đất đai và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan, nhất là các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng để từ đó có biện pháp ngăn chặn rủi ro đối với hợp đồng, giao dịch. Từ đó, đề xuất Bộ Tư pháp mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp tại địa phương, đặc biệt là lĩnh vực công chứng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp./.​