Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ c...

Giới thiệu văn bản mới Thông tư của các Bộ, ngành Trung ương  
Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục

* Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

* Ngày ban hành: 11/5/2022.

* Ngày có hiệu lực: 26/6/2022.

* Nội dung chính:

Thông tư này hướng dẫn nội dung, phương pháp, hình thức triển khai việc trang bị kiến thức kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ

Theo đó, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ như sau:

- Đối với giáo dục mầm non:

+ Lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

+ Sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.

- Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên:

+ Lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa.

+ Thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.

- Đối với giáo dục đại học:

+ Lồng ghép trong môn học giáo dục quốc phòng an ninh và các hoạt động ngoại khóa.

+ Phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.

Từ 26/6, học sinh THPT được hướng dẫn sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay

Theo Thông tư, Bộ yêu cầu thời lượng tổ chức các hoạt động bổ trợ, diễn tập về phòng cháy chữa cháy đối với trẻ em mầm non bảo đảm tối thiểu 01 buổi/năm học; Đối với học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên bảo đảm tối thiểu 02 buổi/năm học; Đối với sinh viên bảo đảm tối thiểu 03 buổi/năm học.

Sau khi được trang bị kiến thức, học sinh trung học phổ thông, học viên học chương trình giáo dục phổ thông trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên và kỹ thuật tổng hợp cần biết một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn; sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay và các thiết bị chữa cháy thông thường với các nguồn cháy khác nhau (với thiết bị mô hình hoặc thực tế).

Đáng chú ý, sau khi được cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá đạt yêu cầu, sinh viên nếu có nhu cầu sẽ được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do lãnh đạo nhà trường làm Trưởng ban; thành phần là các cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên.

* Thủ tục hành chính do địa phương thực hiện: Không.

* Trách nhiệm thực hiện của địa phương:

- Trách nhiệm xây dựng thể chế: Không quy định trực tiếp.

- Trách nhiệm triển khai thi hành: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Cơ quan tham mưu: Sở Thông tin và Truyền thông./.


Tin liên quan