Skip Ribbon Commands
Skip to main content

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN THÁNG 5

Tuyên truyền phổ biến  
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN THÁNG 5

1. Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập

Ngày 12/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2018.

Nghị định áp dụng với cá nhân tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập; Hộ kinh doanh, tổ hợp tác vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm; Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập theo quy định của Nghị định; Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Nghị định, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong đó, với lĩnh vực kế toán, về xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về pháp luật kế toán, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Áp dụng sai quy định về chữ viết; chữ số trong kế toán; áp dụng sai quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán; áp dụng sai quy định về kỳ kế toán; áp dụng sai chế độ kế toán mà đơn vị thuộc đối tượng áp dụng.

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.

Về xử phạt hành vi phạm quy định về chứng từ kế toán, phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với các hành vi: Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; chứng từ chi tiền không ký theo từng liên.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký; ký chứng từ kế toán mà không đúng thẩm quyền; chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký; chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ; không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định; để hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng.

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; thực hiện chi tiền khi chứng từ chi tiền chưa có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán.

Phạt từ 1 triệu -2 triệu đồng về hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán, cụ thể: Lập sổ kế toán không ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ, ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; thiếu chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; không đánh số trang; không đóng dấu giáp lai giữa cá trang của số kế toán trên giấy.

Phạt từ 3 triệu - 5 triệu đồng đối với hành vi: Sổ kế toán không được ghi đầy đủ theo các nội dung chủ yếu theo quy định; sửa chữa sai sót trên sổ kế toán không theo đúng phương pháp quy định; không in sổ kế toán ra giấy sau khi khóa sổ trên phương tiện điện tử đối với các loại sổ kế toán phải in ra giấy theo quy định.

Phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng đối với các hành vi: không thực hiện việc mở sổ kế toán vào đầu kỳ kế toán năm hoặc từ ngày thành lập đơn vị kế toán; không có chứng từ kế toán chứng minh các thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán hoặc số liệu ghi trên sổ kế toán không đúng với chứng từ kế toán.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính. Cụ thể, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định; báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.

Đối với một trong các hành vi: Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo quy định; áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán trừ trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không lập báo cáo tài chính theo quy định; lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán; lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định cũng nêu rõ về hành vi vi phạm quy định về thi chứng chỉ kế toán viên và cập nhật kiến thức cho Kế toán viên hành nghề, người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán; Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Chứng chỉ kế toán viên, chứng chỉ Kiểm toán viên; Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán; Hành vi vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng dịch vụ kế toán qua biên giới; Hành vi vi phạm quy định về thông báo, báo cáo; Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán; Hành vi vi phạm quy định về đăng ký hành nghề kiểm toán; Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và kinh doanh dịch vụ kiểm toán; hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm toán; Hành vi vi phạm quy định về đơn vị được kiểm toán; Hành vi vi phạm quy định về kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng; Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.

 

2. Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số

Ngày 21/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, có hiệu lực từ ngày 10/5/2018.

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

Nghị định quy định tưự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu: Phạt tiền từ 90 triệu - 100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự.

Hành vi ép người khác mua bảo hiểm nhân thọ bị phạt đến 100 triệu đồng. Theo đó, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, là 60 triệu - 70 triệu đồng, thay vì chỉ từ 10 triệu - 20 triệu đồng như trước.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi (tức là phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng).

 

3. Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc phát triển ngành nghề nông thôn.

Ngày 12/04/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về việc phát triển ngành nghề nông thôn, có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

Nghị định này quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề.

7 nhóm ngành nghề nông thôn được hỗ trợ phát triển

Theo Nghị định, 7 nhóm ngành nghề nông thôn được hỗ trợ phát triển bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Sản xuất muối; Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Các nhóm ngành, nghề nêu trên được hỗ trợ mặt bằng sản xuất; ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng; hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ về khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực…

Cũng theo Nghị định này, nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt cả 03 tiêu chí: Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận; Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

Mức hỗ trợ xúc tiến thương mại cho cơ sở ngành nghề nông thôn

Nghị định quy định mức hỗ trợ xúc tiến thương mại cho cơ sở ngành nghề nông thôn. Theo đó, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do nhà nước tổ chức được nhà nước hỗ trợ như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ thuê tư vấn, hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ sở hữu.

Mức hỗ trợ tối đa cho nội dung trên là 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở.

Thứ hai, chi 100% chi phí cho việc thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm, tổ chức hội thi, ăn nghỉ đi lại đối với hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.

Ngoài ra, đối với dự án phát triển ngành nghề nông thôn từ ngân sách trung ương thì mức hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án.

 

4. Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.

Ngày 16/04/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/04/2018, trừ khoản 4 Điều 7 (Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2020 đối với tổ chức, cá nhân đã và đang hoạt động buôn bán phân bón trước ngày 20/9/2017.

 Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.

Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực phân bón không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón. Theo đó, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính  trong lĩnh vực phân bón đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Cụ thể:

Đối với hành vi sử dụng phân bón không đúng hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón sẽ bị phạt cảnh cáo; đối với hành vi sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Đây là chế tài hoàn toàn mới áp dụng với đối tượng vi phạm là người sử dụng phân bón (quy định hiện hành tại Nghị định 163/2013/NĐ-CP không xử phạt đối tượng này).

Nghị định cũng có một số điểm mới đáng chú ý về cách xác định mức phạt căn cứ vào giá trị của lô phân bón. Đơn cử như trường hợp xử phạt đối với hành vi kinh doanh phân bón hết hạn sử dụng: phạt cảnh cáo đối với trường hợp phân bón có giá trị dưới 1.000.000 đồng; phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng…

Vi phạm trong kinh doanh phân bón bị phạt đến 200 triệu. Hành vi xếp đặt chung, để lẫn phân bón với một trong các loại hàng hóa khác như lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Phạt tiền đến 50 triệu đối với hành vi buôn bán phân bón hết hạn sử dụng mà lô phân bón có giá trị dưới 70 triệu đồng. Các hành vi như: Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật…; Buôn bán phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức giới hạn tối đa… bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với 01 hành vi vi phạm.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón là 01 năm, trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

 

5. Nghị định 57/2018/NĐ-CP cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực từ ngày 17/4/2018.

Theo Nghị định, doanh nghiệp được nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và có Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.

Các doanh nghiệp trên sẽ được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng

Nghị định quy định doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật đất đai được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.

Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 07 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 05 năm tiếp theo.

Giúp tiếp cận nguồn vốn

Để giúp các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nguồn vốn, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.

Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại: Tối đa 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm; dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

Nhà nước cũng hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ đối với các doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng.

Muốn được hưởng chính sách trên, doanh nghiệp phải: Có doanh thu năm trước tối thiểu bằng 10 lần mức hỗ trợ; các bản quyền, công nghệ doanh nghiệp đề xuất mua phải phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của doanh nghiệp đã đăng ký.

Nghị định quy định rõ, trường hợp đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng mức hỗ trợ; trường hợp không được áp dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng 50% mức hỗ trợ.

Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt được ngân sách nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị.

Ngoài hỗ trợ hạ tầng trên, nếu doanh nghiệp nhập, bò giống cao sản để nuôi trực tiếp hoặc liên kết nuôi với hộ gia đình thì được hỗ trợ bổ sung là 10 triệu đồng/con.

 

6. Quyết định 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngày 06/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2018.

Theo Quyết định nếu không có nợ xấu trong 3 năm sẽ được cấp tín dụng vượt hạn mức. Cụ thể, để được xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng thì khách hàng phải không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá 03 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm…

Mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan bằng tổng của: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo; Số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký; Số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.

Một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.

 

7. Thông tư 48/2017/TT-BTTTT về giá cước kết nối cuộc gọi thoại từ mạng cố định mặt đất nội hạt vào mạng di động

Ngày 29/12/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 48/2017/TT-BTTTT quy định giá cước gọi di động của các nhà mạng, có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.

Theo Thông tư, từ 01/5/2018 giá cước kết nối giữa các mạng di động giảm so với quy định cũ. Cụ thể giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động được áp dụng như sau:

Giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động: Mạng nội hạt khởi phát cuộc gọi thoại trả mạng di động kết cuối cuộc gọi giá cước kết nối là 320 đồng/phút.

Giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động:

Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội giá cước kết nối là 400 đồng/phút;

Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giá cước kết nối là 440 đồng/phút;

Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tổng Công ty viễn thông MobiFone giá cước kết nối là 440 đồng/phút;

Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile giá cước kết nối là 440 đồng/phút;

Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu giá cước kết nối là 440 đồng/phút. Theo quy định cũ, giá cước kết nối được quy định dao động từ 500 đồng - 550 đồng/phút.

 

8. Thông tư 04/2018/TT-BNV thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế, phụ cấp trách nhiệm của kế toán trưởng, phụ trách kế toán

Ngày 27/3/2018, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 04/2018/TT-BNV thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế, phụ cấp trách nhiệm của kế toán trưởng, phụ trách kế toán, có hiệu lực từ ngày 15/5/2018.

Thông tư quy định, người được bổ nhiệm làm kế toán trong đơn vị nhà nước chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; trong đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hằng tháng 0,1 so với mức lương cơ sở.

Người được bổ nhiệm kế toán trưởng ở các đơn vị sau đây được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm hằng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở: cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan); cơ quan nhà nước (CQNN); đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; các tổ chức được Nhà nước cấp vốn để tổ chức hoạt động theo Mục tiêu chính trị xã hội.

Đối với các đơn vị sau, người được bổ nhiệm kế toán trưởng được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân do CQNN, ĐVSNCL thành lập; cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.​