Skip Ribbon Commands
Skip to main content

TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÁNG 4/2018

Tuyên truyền phổ biến  
TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÁNG 4/2018

1. Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, có hiệu lực kể từ ngày 11/3/2018.

Nghị định này hướng dẫn về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị định đã hướng dẫn việc thành lập quỹ đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo như sau:

Thứ nhất, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ và không có tư cách pháp nhân; quỹ này không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác.

Thứ hai, tài sản góp vốn có thể bằng Đồng Việt Nam, vàng, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác có thể định giá bằng Đồng Việt Nam. Nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, danh mục và hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo gồm: gửi tiền tại các ngân hàng thương mại; đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư.

Thứ tư, toàn bộ số vốn góp và tài sản của các nhà đầu tư tại quỹ phải được hạch toán độc lập với công ty thực hiện quản lý quỹ;

Thứ năm, các nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ tự thỏa thuận về thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư và nội dung này phải được quy định tại điều lệ quỹ và hợp đồng với công ty thực hiện quản lý quỹ (nếu có).

Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức quản lý theo một trong các mô hình sau: Đại hội nhà đầu tư, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; đại hội nhà đầu tư, Ban đại diện quỹ hoặc Giám đốc quỹ, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; đại hội nhà đầu tư, Ban đại diện quỹ và Giám đốc quỹ, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Các nhà đầu tư của quỹ có thể thành lập hoặc thuê công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Công ty thực hiện quản lý quỹ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thành lập quỹ và thông báo bổ sung ngành, nghề quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp khi thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Hoạt động quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Nghị định này thực hiện theo điều lệ của quỹ, các hợp đồng ký kết với quỹ (nếu có) và không chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán.

Hỗ trợ vốn 5 năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Theo Nghị định, căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp giao cho tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương có chức năng đầu tư tài chính để thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Doanh nghiệp nhận đầu tư từ tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng các tiêu chí: Hoạt động trong lĩnh vực các lĩnh vực mà địa phương ưu tiên phát triển; Phải được ít nhất một trong các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo lựa chọn để đầu tư.

Tổ chức tài chính nhà nước của địa phương lựa chọn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cùng đầu tư đảm bảo tối thiểu các điều kiện sau: Có cam kết cùng với tổ chức tài chính nhà nước của địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; tối thiểu 1 năm kinh nghiệm thực hiện hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; có khả năng tự trang trải chi phí khi tham gia thực hiện đầu tư; các điều kiện khác (nếu có).

Định kỳ hàng quý, tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương tiến hành đánh giá, điều chỉnh, cập nhật, công bố danh sách các doanh nghiệp nhận đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương và của UBND cấp tỉnh.

Khoản vốn đầu tư từ tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương cho một doanh nghiệp nhận đầu tư không quá 30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp đó huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cùng đầu tư.

Thời hạn đầu tư từ ngân sách địa phương tối đa là 05 năm, từ thời điểm đầu tư.

Trách nhiệm của UBND tỉnh

Nghị định quy định trách nhiệm của UBND tỉnh như sau:

 Thứ nhất, quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ hai, thực hiện công khai ngân sách địa phương sử dụng cho hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và chịu trách nhiệm về những vi phạm thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật khi giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về kết quả và tình hình hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Nghị định này.

Thứ tư, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ ngân sách địa phương; kiến nghị bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

 

2. Nghị định 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực kể từ ngày 11/3/2018.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: Điều 4; khoản 1 và khoản 2 Điều 14; Điều 15; khoản 2 Điều 16; Điều 17 và Điều 19.

Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị định quy định, doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định…

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định.

Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.

Miễn phí đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị định này quy định rõ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng thì được miễn chi phí đào tạo. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận.

Để được miễn chi phí đào tạo, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau: Đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục; Không quá 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhưng không quá 01 lần một năm. Khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp có tối thiểu 10 học viên.

Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn (không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính theo quy định chuyên ngành) thuộc mạng lưới tư vấn viên. Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 03 triệu đồng/năm; Doanh nghiệp nhỏ được giảm 30% nhưng không quá 05 triệu đồng/năm; Doanh nghiệp vừa được giảm 10% nhưng không quá 10 triệu đồng/năm.

Trách nhiệm của UBND tỉnh

Nghị định quy định trách nhiệm của UBND tỉnh như sau:

Thứ nhất, xây dựng, sửa đổi và ban hành chủ trương, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định này.

Thứ ba, xây dựng, tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn.

Thứ tư, giao đơn vị đầu mối tư vấn, hướng dẫn hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp quy định tại Nghị định này.

Thứ năm, định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan tình hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương.

Thứ sáu, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chủ trương trước khi ra quyết định phê duyệt triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

3. Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Ngày 12/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực kể từ ngày 02/05/2018.

Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nghị định đã không còn giới hạn phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động này chỉ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam theo như quy định hiện hành.

Hành vi bị cấm đối với loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp

Nghị định đã bổ sung một số hành vi bị cấm đối với loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trong đó, cấm các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi như yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng hay từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng…Nghị định cũng cấm doanh nghiệp cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên…

Điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Theo Nghị định , các tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng 7 điều kiện:

Một là, doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Hai là, có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

Ba là, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này.

Bốn là, ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Năm là, có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này.

Sáu là, có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Bảy là, có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Như vậy, so với quy định hiện hành tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định là 10 tỷ thì Nghị định này quy định tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ trở lên. Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung những điều kiện mới so với trước đây như: điều kiện phải có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

 Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp

Nghị định quy định có 3 trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn (Nghị định bổ sung cụm từ “mà không được gia hạn”); Doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

Đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương

Nghị định quy định cụ thể quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, trong đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nếu thuộc một trong các trường hợp: Doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có thực hiện chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú) hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương.

Doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó.

Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ủy quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ, xuất trình hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Một số quy định về trả lại, mua lại hàng hóa; hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác; ký quỹ

Theo Nghị định, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác, bao gồm cả lợi ích được hưởng theo chương trình khuyến mại, trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

 

4. Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy tại Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT

Ngày 01/3/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy tại Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT, có hiệu lực kể từ ngày 16/04/2018.

Thông tư quy định người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

Cũng theo thông tư, từ ngày 16/04/2018, khi tuyển sinh đại học Giảm 50% điểm cộng ưu tiên khu vực. Quy chế mới quy định về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực như sau: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Trước đây, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.

Như vậy, điểm ưu tiên của từng khu vực trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 sẽ là:

- Khu vực 1: + 0,75 điểm (giảm 0,75 điểm so với năm 2017);

- Khu vực 2 - Nông thôn: + 0,5 điểm (giảm 0,5 điểm);

- Khu vực 2: + 0,25 điểm (giảm 0,25 điểm);

          - Khu vực 3: không được hưởng ưu tiên.

Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp vẫn được giữ nguyên là 1 điểm.

Như vậy, mức điểm ưu tiên khu vực sẽ giảm đi còn một nửa. Điểm cộng ưu tiên khu vực cao nhất năm nay chỉ còn 0.75 điểm, thay vì 1.5 điểm như những năm trước.

Bên cạnh đó, từ kỳ tuyển sinh năm nay, các trường đại học, cao đẳng được tự xác định điểm sàn và công bố trên Trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Riêng ngành đào tạo giáo viên, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

 

5. Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT

Ngày 28/2/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, có hiệu lực kể từ ngày 15/04/2018.

Theo Thông tư, việc chấm thi bài thi tự luận sẽ được thực hiện theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 02 chữ số thập phân; trong khi trước đây quy định điểm thi được lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.

Thông tư bỏ quy định thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận không vi phạm pháp luật, Bỏ cộng điểm ưu tiên đối với con của người được hưởng chính sách như bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên…

Thông tư cũng quy định, thí sinh bị hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nếu vi phạm một trong 05 lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức.

Trước đây, nếu như mắc các lỗi trên, thí sinh sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo.

 

6. Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 4, điểm d khoản 1 và đoạn đầu khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT

Ngày 28/2/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT tạo về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 4, điểm d khoản 1 và đoạn đầu khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, có hiệu lực kể từ ngày 15/04/2018.

Theo Thông tư việc tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Trước đây về tổ chức tuyển sinh Trung học cơ sở, theo quy định hiện hành tại Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, việc tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển.

Bên cạnh đó, Quy chế tuyển sinh có những điểm thay đổi như: học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho THCS cũng là đối tượng được tuyển thẳng vào THPT (quy định hiện hành phải là kỳ thi dành cho cấp THPT); Sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chệnh lệch điểm cộng thêm giữa 2 nhóm kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10; bỏ quy định về đối tượng được cộng điểm khuyến khích (do Sở GD&ĐT quy định cụ thể về đối tượng và mức điểm cộng như quy định hiện hành). Tuy nhiên, Các sở GD&ĐT có quy định cộng điểm khuyến khích đối với học sinh thi nghề phổ thông thì tiếp tục áp dụng tuyển sinh năm học 2018-2019.​