Skip Ribbon Commands
Skip to main content

TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÁNG 3

Tuyên truyền phổ biến  
TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÁNG 3

1. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm

Ngày 02/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Cơ sở kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm

Theo Nghị định này, thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm. Khi tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và DN chỉ cần nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.

Trong khi đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm sau phải đăng ký bản công bố sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực  phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản  phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong Danh mục phụ gia được phép sử dụng...

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo hồ sơ và trình tự theo quy định.

Cơ sở kinh doanh phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các cơ sở sau: sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; nhà hàng trong khách sạn; bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; kinh doanh thức ăn đường phố; cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở kinh doanh phải Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định; Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định này: Phải thiết lập và duy trì hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát quá trình sản xuất và lưu thông phân phối nhằm bảo đảm mọi sản phẩm do cơ sở sản xuất đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố và an toàn đối với người sử dụng cho đến hết hạn sử dụng; Đủ nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công việc được giao và được huấn luyện đào tạo kiến thức cơ bản về GMP, về an toàn thực phẩm và kiến thức chuyên môn liên quan; Hệ thống nhà xưởng, thiết bị và tiện ích phụ trợ được thiết kế, xây dựng, lắp đặt phù hợp với mục đích sử dụng...

Tuy nhiên, các cơ sở quy định trên phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.

Các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trên giấy và hết thời hạn sử dụng của sản phẩm.

9 trường hợp được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu

Bên cạnh việc cho phép cơ sở kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về 09 trường hợp được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Bao gồm: Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; Sản phẩm mang theo người nhập cảnh, gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định; Sản phẩm nhập khẩu dùng cho cá nhân của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, quyền miễn trừ ngoại giao; Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; Sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân; Sản phẩm sử dụng để trưng bày hội chợ, triển lãm; Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước; Sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế; Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Sử dụng phụ gia thực phẩm không vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép

Về sử dụng phụ gia thực phẩm, tổ chức, cá nhân sản suất, kinh doanh sản phẩm có trách nhiệm chỉ được sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định. Trong trường hợp phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế theo quy định.

Bên cạnh đó, sử dụng phụ gia thực phẩm không vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép; đúng đối tượng thực phẩm; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; còn thời hạn sử dụng; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý và yêu cầu kỹ thuật đối với phụ gia thực phẩm.

 

2. Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế  quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.

​Theo đó,  các bệnh được hưởng chế độ BHXH một lần gồm: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Các bệnh, tật ngoài các bệnh trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Theo quy định, mỗi lần khám người bệnh chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.​

Bên cạnh đó, Thông tư còn hướng dẫn cấp một số loại giấy chứng nhận (GCN) hưởng chế độ thai sản sau đây: Cấp GCN nghỉ dưỡng thai, việc chứng nhận nghỉ dưỡng thai (GCN nghỉ dưỡng thai đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đã nghỉ việc trong trường hợp điều trị ngoại trú theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này; GCN nghỉ việc hưởng BHXH đối với đối tượng là lao động nữ mang thai đang đóng BHXH bắt buộc trong trường hợp điều trị ngoại trú theo mẫu quy định tại Phụ lục 7; Biên bản giám định y khoa thực hiện theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư 52/2016/TT-BYT đối với trường hợp do Hội đồng Giám định y khoa cấp; Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này); Cấp GCN không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh hoặc sau khi nhận con do nhờ mang thai hộ.

Ngoài ra, Thông tư 56 cũng hướng dẫn hồ sơ khám giám định để xác định lao động nữ không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh hoặc sau khi nhận con do nhờ người mang thai hộ hoặc phải nghỉ dưỡng thai.

 

3. Thông tư 50/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, một số nội dung là điều kiện để cơ quan bảo hiểm xã hội làm căn cứ thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được sửa đổi, bổ sung như sau: Về nhiệm vụ của bác sĩ, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, Thông tư 50 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19-9-1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế bệnh viện hướng dẫn: "Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức lưu phim chẩn đoán hình ảnh bằng bản điện tử hoặc phim chụp, trừ trường hợp khám, điều trị ngoại trú". Theo đó, thông tin chụp phim chẩn đoán hình ảnh của người bệnh nội trú phải được thể hiện trong hồ sơ bệnh án và sổ chẩn đoán hình ảnh của cơ sở khám chữa bệnh. Trong trường hợp chuyển tuyến, cần chuyển các phim chẩn đoán hình ảnh kèm theo các giấy, phiếu chuyển viện. Trường hợp người được chụp phim thuộc đối tượng khám ngoại trú, trả phim đã chụp kèm theo bản trả lời kết quả tương ứng với phim đã chụp cho người đó. Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh phải ký xác nhận đã lấy phim chẩn đoán hình ảnh.

Thông tư cũng sửa đổi phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề; sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư số 35/2016/TT-BYT về điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (Điểm b, Khoản 1, Điều 3)… Đối với các dịch vụ khám chữa bệnh chưa được Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật, người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh xây dựng và ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật để thực hiện tại cơ sở, trên cơ sở tham khảo các nguồn tài liệu chính thống, có bằng chứng khoa học và phù hợp với điều kiện của cơ sở. Khi ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật để thực hiện tại cơ sở, người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm gửi hướng dẫn hoặc quy trình đã ban hành đến cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh nơi cơ sở khám chữa bệnh đặt trụ sở. Thông tư 50 công nhận tính hợp pháp của chứng từ thanh toán dịch vụ y tế, trong trường hợp người hành nghề được cấp giấy chứng nhận đào tạo thay cho chứng chỉ đào tạo…

Cũng theo quy định của Thông tư, kể từ ngày 01/3/2018, khi bệnh viện phát thuốc hàng ngày, bệnh nhân phải ký nhận. Cụ thể, bệnh viện phải công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh điều trị nội trú bằng cách thông báo cho người bệnh trước khi dùng thuốc, đồng thời yêu cầu người bệnh hoặc người thân ký nhận vào Phiếu công khai dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hàng ngày. Phiếu này được kẹp đầu giường bệnh hoặc cuối giường bệnh.

 

4. Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 50/2017/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.

Thông tư này quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là kê đơn thuốc).

Theo đó, Thông tư quy định một số yêu cầu trong nội dung kê đơn thuốc được hướng dẫn cụ thể như sau:

- Ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong Đơn thuốc hoặc trong Sổ khám của người bệnh;

- Ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú;

- Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ vào đơn thuốc.

- Kê đơn thuốc có một hoạt chất: Theo tên chung quốc tế (INN, generic); Theo tên chung quốc tế + (tên thương mại) VD: Thuốc có hoạt chất là Paracetamol, hàm lượng 500mg thì ghi tên thuốc là Paracetamol 500mg; nếu có tên thương mại là A thì ghi tên thuốc là Paracetamol (A) 500mg; Thuốc có nhiều hoạt chất hoặc sinh phẩm y tế thì ghi theo tên thương mại.

- Ghi tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, số lượng/thể tích, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng của mỗi loại thuốc; nếu đơn thuốc có độc thì phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác.

- Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía trên chữ ký của người kê đơn theo hướng từ trên xuống dưới, từ trái sang phải; ký tên, ghi (hoặc đóng dấu) họ tên người kê đơn..

Theo nguyên tắc, chỉ kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh; Số lượng thuốc được kê đơn thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hoặc đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày, trừ trường hợp cấp cứu người bệnh…; Không được kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; Ưu tiên kê đơn thuốc dạng đơn chất hoặc thuốc generic.

Cũng theo Thông tư này, cơ sở bán lẻ thuốc phải lưu bản chính hoặc bản sao đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc lưu thông tin về đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus, gồm: Tên, địa chỉ cơ sở khám, chữa bệnh; Tên người kê đơn, người bệnh; Tên thuốc… trong 01 năm. Đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất không dùng hoặc sử dụng không hết phải trả lại cho nơi đã cấp hoặc bán thuốc.

 

5. Thông tư 72/2017/TT-BTNMT quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 72/2017/TT-BTNMT quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng., có hiệu lực thi hành từ ngày 12/2/2018.

Thông tư quy định về xử lý, trám lấp các loại giếng khoan, lỗ khoan, giếng đào sau khi sử dụng xong hoặc bị hỏng (sau đây gọi tắt là giếng không sử dụng) trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ, nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, và các hoạt động khoan, đào khác.

Việc xử lý, trám lấp các loại giếng khoan tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các giếng khoan địa nhiệt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Phải thông báo Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi lấp giếng không sử dụng

Theo Thông tư này, khi trám lấp giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất đã có giấy phép nhưng chủ giấy phép trả lại giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép, trong đó có việc điều chỉnh giếng khai thác; giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất phải xin phép nhưng không đủ điều kiện được cấp phép…, chủ giếng phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm trám lấp giếng tới UBND cấp xã và tự tổ chức thi công trám lấp giếng.

Vật liệu sử dụng để trám lấp giếng bao gồm: Đất, sét tự nhiên có tính cách nước tốt hơn hoặc tương đương với các lớp đất đá xung quanh giếng đào. Việc thi công trám lấp giếng phải được thực hiện theo từng giai đoạn; vật liệu được đổ theo từng lớp và được đầm, nện; tối thiểu 1m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng sét tự nhiên hoặc  vật liệu khác có tính chất tương đương…

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc thi công trám lấp giếng không sử dụng, chủ giếng phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới UBND cấp xã về việc thực hiện trám lấp giếng không sử dụng để theo dõi, tổng hợp.

 

6. Thông tư 10/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 76/2014/TT-BTC ngày 16/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 10/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 76/2014/TT-BTC ngày 16/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2018.

Xác định tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật

Khi cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật thì tiền sử dụng đất được xác định 02 trường hợp như sau như sau:

Thứ nhất, Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật do lỗi của cơ quan nhà nước thì tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận trước đây.

Thứ hai, Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật do lỗi của người sử dụng đất thì tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thu tiền sử dụng đất với diện tích tăng thêm do đo đạc lại

Theo đó, kể từ ngày 20/3/2018, diện tích tăng thêm do đo đạc lại phải thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do đo đạc lại so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được quy định 02 trường hợp như sau:

Thứ nhất, Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích tăng thêm mà hộ gia đình, cá nhân đã có Giấy chứng nhận thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận.

Thứ hai, Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích tăng thêm mà hộ gia đình, cá nhân đã có các giấy tờ về quyền sử dụng đất khác thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất tăng thêm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

7. Thông tư 11/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 77/2014/TT-BTC ngày 16/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành 11/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 77/2014/TT-BTC ngày 16/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2018.

Theo Thông tư, tiền thuê đất xác định theo giá đất tại thời điểm gia hạn. Đối với người được Nhà nước cho thuê đất đang sử dụng nhà, đất tại công trình xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp thuộc sở hữu Nhà nước hoặc có phần diện tích thuộc quyền quản lý của Nhà nước mà không tách riêng được phần diện tích đất sử dụng cho từng đối tượng đang sử dụng, số tiền thuê đất phải nộp được phân bổ cho từng đối tượng sử dụng theo hệ số phân bổ nhân với diện tích sàn sử dụng của từng đối tượng và áp dụng từ ngày 01/07/2014.

Khi được gia hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất thì tiền thuê đất được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm được gia hạn. Đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất tính từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định gia hạn thời gian thuê đất.

Trường hợp hết thời gian thuê đất nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành quyết định gia hạn thời gian thuê đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền thuê đất của từng năm sử dụng đất kể từ thời điểm hết thời gian thuê đất đến thời điểm có quyết định gia hạn thời gian thuê đất theo đơn giá xác định trên cơ sở giá đất tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành của từng năm sử dụng đất; không được ổn định đơn giá thuê đất (05 năm một lần) trong khoảng thời gian này

Cũng theo Thông tư, nhà đầu tư đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng theo phương án được phê duyệt trước ngày 01/07/2004 và được Nhà nước cho thuê đất từ ngày 01/07/2004 trở về sau thì được trừ số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất theo phương án đã được phê duyệt hoặc giá trị quyền sử dụng đất theo mục đích đất nhận chuyển nhượng tại thời điểm tự thỏa thuận, tự nhận chuyển nhượng vào tiền thuê đất đã nộp và không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp.

 

8. Thông tư số 26/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 năm 2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 26/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 năm 2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 03/3/2018

Theo Thông tư, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (quy định trước đây tại Thông tư số 19/2016/TT-NHNN, đối tượng này cần phải có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng các loại thẻ này).

Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước thay vì được sử dụng thẻ trả trước, thẻ ghi nợ không được thấu chi như trước đây.

Ngoài ra, về hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ chỉ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.

9. Thông tư 64/2017/TT-BCA của Bộ Công an về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 04/04/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đăng ký xe

Ngày 28 tháng 12 năm 2017, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 64/2017/TT-BCA, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2014/TT-BCA. Theo đó, đã bỏ quy định: Trước khi bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó; thay thế bằng quy định: Xe đăng ký biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng; xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen, nay có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho thì trước khi bàn giao xe cho người mua hoặc người được điều chuyển, tặng, cho, chủ xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe. Tuy nhiên, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Cũng theo Thông tư này, có 08 cơ quan, đơn vị phải thực hiện đăng ký xe ô tô tại Cục Cảnh sát giao thông, trong đó có: Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao... Các cơ quan, tổ chức có xe ô tô đã đăng ký tại Cục Cảnh sát giao thông, nay không thuộc đối tượng nêu trên có trách nhiệm đến Cục Cảnh sát giao thông làm thủ tục di chuyển xe về đăng ký tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở.

Các quy định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 12/02/2018.​