Skip Ribbon Commands
Skip to main content

TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÁNG 3 (Lần 2)

Tuyên truyền phổ biến  
TÀI LIỆU PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÁNG 3 (Lần 2)

1. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Tuy nhiên, từ ngày 01/1/2018, một số quy định mới có hiệu lực thi hành.

Theo đó, từ 01/1/2018, người lao động là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Cũng theo quy định của Luật, từ 01/1/2018, lao động nam từ 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75 % mức đóng BHXH hàng tháng.

Việc đáp ứng mức lương hưu 75 % theo lộ trình tới năm 2022, như sau: Từ năm 2019, nam giới phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam giới phải có 35 năm đóng BHXH.

Với nữ giới, sau ngày 01/1/2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75 % khi đủ 30 năm tham gia BHXH và không theo lộ trình tăng dần như nam giới.

Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 thì từ ngày 01/1/2018, người lao động muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thêm 5 năm nữa. Theo đó, lao động nữ phải đủ 30 năm, lao động nam là 31 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75%. Cụ thể, từ 01/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%. Đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay. Lao động nam hiện đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tuy nhiên, từ 01/1/2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm. Theo đó, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng 32-35 năm BHXH mới được hưởng 75%. Đến năm 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Ngoài ra, người lao động nghỉ hưu trước tuổi thì mỗi năm sẽ giảm 2%

 

2. Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Ngày 27/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Từ ngày 15/1/2018 sẽ có 32 hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; 03 hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; 27 hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Mức phạt tiền tối đa

Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1.000.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300.000.000 đồng.

Ngắt hoa, dẫm lên thảm cỏ công viên bị phạt đến 1 triệu đồng

Theo Nghị định, người có hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng. Trước đây, hành vi trên chỉ bị phạt tiền tối đa đến 500.000 đồng.

Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với hành vi giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vận dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; Xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên…

Vi phạm hành chính về xây dựng có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng

Nghị định quy định đối với hành vi xây nhà ở không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định, cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực  khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.

Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

 

3. Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ

Ngày 05/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, có hiệu lực từ 20/1/2018.

Nghị định quy định cụ thể từng đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ. Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi quy định tại Ðiều 1 Luật Thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi) tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn Đạt giải ba trở lên tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; giải khuyến khích trở lên tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; bằng khen trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên & khoa học xã hội ở cấp THPT; Đạt giải ba trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc gia hoặc quốc tế ở cấp THPT hoặc bậc đại học; Đạt giải ba trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành ở bậc đại học được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận.

Ðối với người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi quy định tại Ðiều 1 Luật Thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi) tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn: một trong các tiêu chuẩn (Đạt giải ba trở lên tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; giải khuyến khích trở lên tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; bằng khen trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên & khoa học xã hội ở cấp THPT; Đạt giải ba trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc gia hoặc quốc tế ở cấp THPT hoặc bậc đại học; Đạt giải ba trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành ở bậc đại học được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận); Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở bậc đại học.

Việc tuyển dụng được thực hiện thông qua hình thức xét kết quả học tập và nghiên cứu; Phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Sau khi được tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp phải tập sự trong ít nhất là 03 tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tập sự, sinh viên được hưởng 100% mức lương và phụ cấp tăng thêm. Mức lương đối với sinh viên dao động từ hệ số lương 2,34 đến 3,00. Phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số hiện hưởng.

 

4. Nghị định 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Ngày 07/12/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2017/NĐ-CP về việc quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 25/1/2018.

Theo Nghị định, từ ngày 01/1/2018, lương tối thiểu vùng tăng 6,5%. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau: Mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3,53 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng II; Mức 3,09 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng IV.Trong khi đó, trước đây, mức lương tối thiểu được quy định lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương cũ khoảng 180.000 - 230.000 đồng/tháng.

Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

 

5. Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non

Ngày 05/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, có hiệu lực từ ngày 20/2/2018.

Hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo

Theo Nghị định, từ ngày 20/2/2018, trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện: Có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; Không có nguồn nuôi dưỡng; Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng.

Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Phương thức hỗ trợ do lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ em để lựa chọn thực hiện theo một trong hai phương thức: Phương thức 1 là cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn cho trẻ em; Phương thức 2 là chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

Giáo viên mầm non công lập, dân lập đều được hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn

Giáo viên mầm non dân lập, tư thục (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

 

6. Thông tư 14/2017/TT-NHNN về việc quy định phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng

Từ ngày 1/1/2018, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, một năm được xác định là 365 ngày.

Thời gian qua, cách tính lãi nói trên thực hiện theo Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN từ năm 2001, có những vướng mắc, cũng như có thay đổi trong các văn bản pháp lý mới ban hành. Trong đó, vướng mắc chính là quy định về số ngày trong một năm tại Quyết định 652 chưa thống nhất với Luật Dân sự hiện hành và số ngày thực tế trong năm.

Ngoài ra, thông tư mới cũng quy định tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng xác định thời hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp: phương pháp bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ Luật Dân sự) hoặc phương pháp tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi.

Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp với quy định của pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng và quy định tại thông tư này.

Về yêu cầu minh bạch phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi, đối với các khoản tiền gửi, cấp tín dụng sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận nhận tiền gửi, cấp tín dụng, tổ chức tín dụng phải: Thực hiện minh bạch thông tin về hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung theo quy định pháp luật về nhận tiền gửi và cấp tín dụng; Phải niêm yết công khai thông tin về phương pháp tính lãi tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng (nếu có). Trước khi thực hiện giao dịch, tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi.

Trường hợp có thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng về phương pháp tính lãi trước ngày 01/01/2018, được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết.

 

7. Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật

Ngày 29/1/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, có hiệu lực từ ngày 16/3/2018.

Mục tiêu giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật được Thông tư này quy định để người khuyết tật được phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng và đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của người khuyết tật.

Một lớp học hòa nhập không quá 2 học sinh khuyết tật

Theo Thông tư, các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập sắp xếp, bố trí các hớp học phù hợp với người khuyết tật; đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 02 người khuyết tật. Trường hợp đặc biệt, thủ trưởng cơ sở giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế có thể sắp xếp, bố trí thêm người khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo những người khuyết tật có nhu cầu học hòa nhập đều được đi học.

Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi nhập học quy định; Được học tập trong các cơ sở giáo dục phù hợp với trình độ và năng lực; được quan tâm, tôn trọng và bảo vệ, đối xử bình đẳng trong học tập, trong các hoạt động giáo dục để phát triển khả năng cá nhân… Đồng thời, phải thông tin tình hình sức khỏe, khả năng học tập, đề xuất nhu cầu hỗ trợ với gia đình, cơ sở giáo dục khi cần thiết.

Trách nhiệm của UBND các cấp về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật.

Thông tư quy định Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiện về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật như sau:

Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thực hiện quy hoạch hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đáp ứng nhu cầu can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập tại địa phương; Thực hiện nghiêm túc chính sách về giáo dục hòa nhập theo quy định, ban hành các chính sách của địa phương về giáo dục hòa nhập; Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển giáo dục hòa nhập tại địa phương. Đảm bảo ngân sách và các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi đáp ứng yêu cầu chăm sóc, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu chất lượng giáo dục hòa nhập của địa phương; Chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đảm bảo các điều kiện tối thiểu đáp ứng yêu cầu giáo dục hòa nhập tại địa phương. Huy động các nguồn lực từ cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ thực hiện giáo dục hòa nhập tại địa phương. Chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với ngành giáo dục điều tra, phát hiện, can thiệp sớm và thực hiện có hiệu quả giáo dục hòa nhập tại địa phương. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về giáo dục hòa nhập tại địa phương.

UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh: Chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục hòa nhập theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; vận động và tổ chức, tạo điều kiện để người khuyết tật học hòa nhập tại cơ sở giáo dục. Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển giáo dục hòa nhập tại địa phương. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quy định về giáo dục hòa nhập tại địa phương.

UBND cấp xã chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với cơ sở giáo dục trên địa bàn Điều tra, phát hiện, can thiệp sớm và thực hiện có hiệu quả giáo dục hòa nhập tại địa phương.

 

8. Thông tư 75/2017/TT-BTNMT quy định về bảo vệ nước dưới đất

Ngày 29/12/2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 75/2017/TT-BTNMT quy định về bảo vệ nước dưới đất, có hiệu lực từ ngày 12/2/2018.

Thông tư quy định các nguyên tắc bảo vệ nước dưới đất, cụ thể:  

Một là, bảo vệ nước dưới đất lấy phòng ngừa làm chính, chú trọng việc bảo vệ nguồn nước dưới đất tại khu vực bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, các khu vực cấp nước sinh hoạt, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, khu dân cư tập trung, các vùng khan hiếm nước, các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các khu vực có nguy cơ bị sụt, lún đất.

 Hai là, bảo vệ nước dưới đất phải gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước dưới đất; gắn với các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên.

Ba là, bảo vệ nước dưới đất phải xem xét, thực hiện ngay trong giai đoạn lập các quy hoạch có liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đối với các dự án đầu tư có hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc có hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc hoạt động có liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất thì việc bảo vệ nước dưới đất phải được thực hiện trong giai đoạn lập dự án đầu tư.

Các yêu cầu về thiết kế, thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất; yêu cầu về thiết kế, thi công giếng khoan thăm dò, điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và giếng đào; yêu cầu bảo vệ nước dưới đất khi thực hiện thí nghiệm trong giếng khoan cũng được quy định chi tiết tại Thông tư này.

Bên cạnh đó, đối với các vấn đề bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác, chủ công trình khai thác nước dưới đất có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh xung quanh giếng khai thác và thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa ô nhiễm nước dưới đất qua giếng khoan khai thác; đối với công trình khai thác nước dưới đất phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt phải xây dựng bảo hộ vệ sinh của công trình theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước; Chủ công trình khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất tổ chức lắp đặt thiết bị, bố trí nhân lực thực hiện việc quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước tại các giếng khai thác, giếng quan trắc của công trình bảo đảm thông số, hình thức và chế độ quan trắc để cung cấp, cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Việc quan trắc mực nước tại giếng quan trắc của công trình khai thác phải thực hiện tối thiểu tại 01 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất  có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm đến dưới 5.000 m3/ngày đêm; tối thiểu tại 02 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 5.000 m3/ngày đêm đến dưới 10.000 m3/ngày đêm; tối thiểu tại 03 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên.

Đối với giếng khoan có thời gian dự kiến hoạt động từ 02 năm trở lên thì phải thực hiện việc chống ống và trám cách ly. Ngoài ra, cần phát hiện, xử lý, khắc phục các hiện tượng, sự cố bất thường về chất lượng nước, mực nước trong quá trình khai thác và các sự cố khác do hoạt động khai thác của mình gây ra; trường hợp xảy ra sự cố thì phải dừng ngay việc khai thác, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại (nếu có); thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi xảy ra sự cố và báo cáo cơ quan cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.

Khi chèn cách ly, sử dụng đất sét tự nhiên hoặc vật liệu có tính chất thấm nước tương đương đất sét xung quanh thành giếng khoan và ống chống tạm thời. Trong phạn vi bán kinh tối thiểu 01m xung quanh miệng giếng khoan phải được gia cố, tôn cao bằng đất sét tự nhiên hoặc các vật liệu chống thấm khác.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân xử lý nền móng công trình chỉ được sử dụng các vật liệu được phép sử dụng theo quy định của pháp luật; không sử dụng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ, hóa chất độc hại làm dung dịch khoan hoặc pha trộn dung dịch khoan để đưa vào giếng.​