Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quyết định số 30/2022/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2022 về việc xác định giá trị bồi thường cây trồng, vật nuôi khi Nh...

Giới thiệu văn bản mới Văn bản QPPL của tỉnh Hà Nam  
Quyết định số 30/2022/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2022 về việc xác định giá trị bồi thường cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam

* Cơ quan ban hành: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam

* Ngày ban hành: 29/8/2022

* Ngày có hiệu lực: 10/9/2022

* Văn bản bị thay thế: Quyết định số 49/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất và Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh về việc bổ sung đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 49/2014/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 của UBND tỉnh Hà Nam.

* Nội dung chính:

Ban hành kèm theo Quyết định này quy định xác định giá trị bồi thường cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì không được áp dụng hoặc không điều chỉnh đơn giá theo Quyết định này.

Đối với những dự án, hạng mục chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành thì xác định giá bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá tại Quyết định này.

Bồi thường cây trồng, vật nuôi (nuôi trồng thuỷ sản) khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai số 45/2013/QH13; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối tượng áp dụng: Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai năm 2013 khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác bồi thường về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất.

Bồi thường đối với cây trồng:

- Đối với cây trồng hàng năm

+ Tại thời điểm thu hồi đất cây trồng hàng năm đã đến thời kỳ thu hoạch thì không được bồi thường.

+ Tại thời điểm thu hồi đất cây trồng hàng năm chưa đến thời kỳ thu hoạch thì mức bồi thường bằng giá trị sản lượng của một (01) vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của một (01) vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong ba (03) năm trước liền kề của loại cây trồng đó tại địa phương  và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất.

+ Tại thời điểm thu hồi đất mà trên đất thu hồi không có cây trồng, nhưng thời gian từ thời điểm thông báo thu hồi đất đến thời điểm thu hồi đất, người có đất bị thu hồi phải ngừng sản xuất thì được hỗ trợ. Mức hỗ trợ tính bằng 40% mức bồi thường đối với cây trồng ở vụ trước theo đơn giá bồi thường.

- Đối với cây lâu năm bao gồm cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ, lấy lá, cây rừng, khi Nhà nước thu hồi được bồi thường theo giá trị hiện có của vườn cây tại thời điểm thu hồi đất, giá trị này không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất. Giá trị hiện có của vườn cây lâu năm để tính bồi thường được xác định như sau:

+ Cây lâu năm là loại thu hoạch một lần (cây lấy gỗ) đang ở trong thời kỳ thu hoạch thì giá trị hiện có của vườn cây được tính bồi thường bằng (=) số lượng từng loại cây trồng nhân (x) với giá bán một (01) cây tương ứng cùng loại, cùng độ tuổi, cùng kích thước hoặc có cùng khả năng cho sản phẩm ở thị trường địa phương tại thời điểm bồi thường trừ (-) đi giá trị thu hồi (nếu có);

+ Cây lâu năm là loại thu hoạch nhiều lần (cây ăn quả, cây lấy dầu, nhựa...) đang ở trong thời kỳ thu hoạch thì giá trị hiện có của vườn cây được tính bồi thường là giá bán vườn cây ở thị trường địa phương tại thời điểm bồi thường trừ (-) đi giá trị thu hồi (nếu có);

+ Đối với cây lấy gỗ đã đến thời kỳ thu hoạch thì giá trị bồi thường xác định theo đơn giá quy định trừ (-) giá trị thu hồi. Giá trị thu hồi xác định bằng 30% giá trị bồi thường. 

+ Cây lâu năm đang ở chu kỳ đầu tư hoặc đang ở thời kỳ xây dựng cơ bản thì giá trị hiện có của vườn cây là toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền theo thời giá thị trường tại địa phương; Nếu cây chưa cho thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;

+ Đối với cây lâu năm đến thời hạn thanh lý thì chỉ bồi thường chi phí chặt hạ, mức chi phí tối đa không quá 10% giá trị bồi thường.

+ Cây rừng trồng bằng nguồn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho các tổ chức, hộ gia đình trồng, quản lý chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng.

Bồi thường đối với vật nuôi là thủy sản:

- Đối với vật nuôi mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch  thì không bồi thường.

- Đối với vật nuôi mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch  thì được bồi thường theo quy định, giá trị bồi thường không bao gồm giá trị đầu tư ao hồ.

- Đối với đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi từ 30% diện tích của thửa đất, phần diện tích còn lại bị ảnh hưởng trực tiếp, căn cứ mức độ bị ảnh hưởng thực tế Hội đồng Bồi thường hỗ trợ xác định hỗ trợ, mức hỗ trợ tối đa không quá 50% mức bồi thường.

- Đối với đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi dưới 30% diện tích của thửa đất, phần diện tích còn lại bị ảnh hưởng trực tiếp, căn cứ mức độ bị ảnh hưởng thực tế Hội đồng Bồi thường xác định hỗ trợ. Diện tích hỗ trợ tối đa không quá 50% diện tích còn lại; mức hỗ trợ tối đa không quá 50% mức bồi thường.

* Trách nhiệm thực hiện của địa phương:

- Trách nhiệm xây dựng thể chế: Không.

+ Ban hành văn bản mới: Không.

+ Bãi bỏ văn bản địa phương đã ban hành: Không.

 - Trách nhiệm khác: Không

- Cơ quan chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.​


Tin liên quan