Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những điểm mới của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam

Tuyên truyền phổ biến  
Những điểm mới của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam
Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quốc tịch Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 20/3/2020. Nghị định này thay thế Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

Trong đó, có những điểm mới so với Nghị định số 78/2009/NĐ-CP và Nghị định số 97/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về hủy giá trị giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định: Kể từ ngày Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của một người có hiệu lực pháp luật, giấy tờ quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người đó không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam.”

Các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch gồm Giấy khai sinh; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi

Trong thực tế, có nhiều trường hợp sau khi đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn sử dụng một trong các giấy tờ trên để chứng minh tư cách công dân Việt Nam trong các giao dịch, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có liên quan và gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý.

Để hạn chế các vi phạm xảy ra, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể và rõ ràng những giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người được thôi quốc tịch Việt Nam,  tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam sẽ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam của người đó kể từ ngày Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của một người có hiệu lực pháp luật.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an trong việc xóa đăng ký thường trú, thu hồi và hủy giá trị sử dụng Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của những trường hợp nêu trên. Ngoài ra, người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an để làm thủ tục xóa đăng ký thường trú, nộp lại Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ hai, khẳng định lại nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam theo Điều 4 của Luật quốc tịch, tạo cách hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật đối với người có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài

Tại Điều 4 của Luật quốc tịch Việt Nam đã khẳng định rõ quan điểm: “Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”, chỉ quy định một số trường hợp người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam không phải thôi quốc tịch nước ngoài “trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép” (theo khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 23).

Để tạo cách hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật đối với người có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP đã khẳng định lại nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam, quy định về việc sử dụng quốc tịch của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam như sau:

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Thực hiện quy định này, kể từ ngày 20/3/2020 trên tất cả các giấy tờ có mục ghi “quốc tịch” do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài chỉ được ghi “quốc tịch Việt Nam”; tuyệt đối không ghi thêm quốc tịch nước ngoài của người đó, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định khác.

Thứ ba, quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quốc tịch

Luật quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 78/2009/NĐ-CP đều không có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quốc tịch. Do đó, để có cơ sở pháp lý xử lý các hành vi phát sinh trên thực tế, Điều 6 Nghị định số 16/2009/NĐ-CP đã bổ sung quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể như sau:

“1. Các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

a) Dùng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung; khai báo không trung thực, có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch;

b) Dùng giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này để chứng minh đang có quốc tịch Việt Nam;

c) Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ về quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam trái quy định của pháp luật; xác nhận không có cơ sở, không đúng sự thật về người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

d) Lợi dụng việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam để xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật; giấy tờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, giấy tờ được cấp trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này không có giá trị pháp lý, phải bị thu hồi hủy bỏ.

3. Trường hợp người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật Quốc tịch mà bị phát hiện có hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Luật Quốc tịch Việt Nam và Điều 23 của Nghị định này.”

Thứ tư, quy định chi tiết và hướng dẫn rõ hơn về các điều kiện xin giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ tất cả 05 điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:

- Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam;

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó;

- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng;

- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối với trường hợp khác (không thuộc đặc biệt), UBND cấp tỉnh và Bộ Tư pháp yêu cầu người đó phải thôi quốc tịch nước ngoài theo quy định chung của pháp luật quốc tịch khi xem xét hồ sơ quốc tịch.

Đồng thời, Điều 14 Nghị định cũng quy định các điều kiện mà người xin trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc khoản 5 Điều 23 của Luật quốc tịch cần đáp ứng để được coi là “trường hợp đặc biệt” trình Chủ tịch nước xem xét quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài.

Gồm các điều kiện sau:

- Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam;

- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó;

- Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng;

- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ năm, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam

Bộ Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về quốc tịch. Có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, giải quyết theo thẩm quyền các việc về quốc tịch Việt Nam. Nghị định quy định đối với hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài mà không có đủ giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định này, Bộ Tư pháp có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để yêu cầu người xin nhập quốc tịch tiến hành thôi quốc tịch nước ngoài. Trong thời hạn 9 tháng mà người đó không bổ sung được hồ sơ, không hoàn thiện đủ điều kiện hoặc không nộp văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho thôi quốc tịch nước ngoài, thì được coi là người đó không tiếp tục xin nhập quốc tịch Việt Nam và Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ.

Thứ sáu, bổ sung điểm mới về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong lĩnh vực quốc tịch.

Nghị định quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quốc tịch tại địa phương, gồm 7 nhiệm vụ trong đó có hai nhiệm vụ mới là:

- Tổ chức Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam đảm bảo trang trọng, ý nghĩ;

- Thu hồi hủy bỏ những giấy tờ liên quan đến quốc tịch Việt Nam do Sở Tư pháp cấp trái quy định của pháp luật.​