Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghị định số 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.

Giới thiệu văn bản mới Nghị định của Chính phủ  
Nghị định số 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.

* Cơ quan ban hành: Chính phủ

* Ngày ban hành: 17/7/2020

Ngày có hiệu lực: 07/9/2020

* Văn bản bị thay thế: Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.

* Nội dung chính: 

Nghị định số 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết nội dung Luật Kiến trúc giao tại khoản 5 Điều 13; khoản 5 Điều 14 và khoản 1 Điều 15; khoản 8 Điều 17; khoản 3 Điều 22; khoản 3 Điều 23; khoản 4 Điều 26; khoản 5 Điều 29; khoản 4 Điều 30 và khoản 3 Điều 31 về công trình kiến trúc có giá trị; quy chế quản lý kiến trúc; thi tuyển phương án kiến trúc; quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề; phát triển nghề nghiệp liên tục; sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; hành nghề kiến trúc của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

* Công trình kiến trúc có giá trị

* Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị:

- Tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau:

+ Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc;

+ Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình;

+ Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên;

+ Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.

- Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau:

Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử;

+ Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương;

+ Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình.

- Bảng tính điểm đánh giá công trình kiến trúc có giá trị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 85/2020/NĐ-CP.

* Phân loại công trình kiến trúc có giá trị: 03 loại

- Loại I khi đáp ứng hai tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa; tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan phải đạt từ 80 điểm trở lên;

- Loại II khi đáp ứng hai tiêu chí;

- Loại III khi đáp ứng một trong hai tiêu chí trên.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung căn cứ quy định về phân loại công trình kiến trúc có giá trị nêu trên để phân loại và quyết định biện pháp, kinh phí thực hiện để quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của công trình kiến trúc.

* Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị.

* Quy chế quản lý kiến trúc

* Trình tự lập, thẩm định, ban hành quy chế quản lý kiến trúc:

- Lập quy chế quản lý kiến trúc.

- Thẩm định quy chế quản lý kiến trúc.

- Phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc.

- Công bố quy chế quản lý kiến trúc.

* Thời gian lập, thẩm định, phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc:

- Thời gian lập quy chế quản lý kiến trúc: Đối với thành phố trực thuộc trung ương không quá 15 tháng; đối với các trường hợp còn lại không quá 12 tháng, kể từ thời điểm được giao lập quy chế.

- Thời gian thẩm định quy chế quản lý kiến trúc: Đối với thành phố trực thuộc trung ương không quá 30 ngày; đối với các trường hợp còn lại không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Thời gian phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc không quá 10 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.

* Lập quy chế quản lý kiến trúc:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập quy chế quản lý kiến trúc.

* Ngoài ra, Nghị định quy định cụ thể: Thẩm định, phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc; Lấy ý kiến về quy chế quản lý kiến trúc; Công bố quy chế quản lý kiến trúc; Nội dung quy chế quản lý kiến trúc đô thị; Nội dung quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; Rà soát, đánh giá việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc; Biện pháp tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.

* Thi tuyển phương án kiến trúc

* Hình thức thi tuyển:

- Thi tuyển rộng rãi là hình thức tổ chức cuộc thi không hạn chế số lượng tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu cần thiết) tham gia thi tuyển.

- Thi tuyển hạn chế là hình thức tổ chức cuộc thi được áp dụng trong trường hợp chỉ có một số tổ chức, cá nhân tham gia thi tuyển (nhưng không dưới 03 tổ chức, cá nhân) đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hoặc tính đặc thù của công trình thi tuyển phương án kiến trúc.

* Hành nghề kiến trúc

* Thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề:

- Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức lập, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề theo trình tự, thủ tục quy định.

- Trình tự, thủ tục ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề như sau:

+ Thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập để soạn thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;

+ Lập Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;

+ Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cá nhân có liên quan về dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;

+ Giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Hội Kiến trúc sư Việt Nam;

+ Ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.

- Trong vòng 15 ngày kể từ ngày ban hành, Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tổ chức ban hành; gửi đến Bộ Xây dựng để đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và các hình thức khác theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin.

- Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề được định kỳ 05 năm rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

* Chương trình, nội dung, hình thức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc:

- Hội Kiến trúc sư Việt Nam xây dựng, ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Nội dung Bộ câu hỏi sát hạch với số điểm tối đa là 100 phải phù hợp với khoản 2 Điều 26 Luật Kiến trúc, bao gồm:

+ 10 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp với số điểm tối đa là 40;

+ 05 câu hỏi về kiến thức pháp luật với số điểm tối đa là 20;

+ 05 câu hỏi về kiến thức chuyên môn với số điểm tối đa là 20;

+ 05 câu hỏi về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề với số điểm tối đa là 20.

- Hình thức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc:

+ Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc lần đầu, thực hiện sát hạch theo hình thức thi trắc nghiệm và vấn đáp. Việc sát hạch vấn đáp được thực hiện ngay sau khi có thông báo kết quả sát hạch trắc nghiệm, trong đó cá nhân sát hạch phải gắp thăm và trả lời tối đa 04 câu hỏi, mỗi câu hỏi về nội dung kiến thức và sự hiểu biết áp dụng trong hoạt động hành nghề kiến trúc phù hợp với nội dung Bộ câu hỏi sát hạch quy định tại khoản 2 Điều 25;

+ Cá nhân đề nghị cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc thực hiện sát hạch theo hình thức thi trắc nghiệm.

- Cá nhân đạt kết quả sát hạch phải có tổng số điểm từ 70 điểm trở lên, trong đó điểm sát hạch về kiến thức pháp luật phải đạt tối thiểu là 16 điểm; các phần còn lại phải đạt tối thiểu 50% số điểm theo quy định tại khoản 2 Điều 25.

Ngoài ra, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về hành nghề kiến trúc của người nước ngoài tại Việt Nam: Xác định thời gian tham gia dịch vụ kiến trúc ở Việt Nam; Hồ sơ công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc của người nước ngoài hành nghề kiến trúc ở Việt Nam; Trình tự, thủ tục công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc của người nước ngoài hành nghề kiến trúc ở Việt Nam.

* Trách nhiệm thực hiện của địa phương:  

- Trách nhiệm xây dựng thể chế:

+ Khoản 2 Điều 4: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 phân loại và quyết định biện pháp, kinh phí thực hiện để quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của công trình kiến trúc.

- Trách nhiệm của UBND tỉnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

- Cơ quan tham mưu: Sở Xây dựng.

Tin liên quan