Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghị định 89/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính ph...

Giới thiệu văn bản mới Nghị định của Chính phủ  
Nghị định 89/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

* Cơ quan ban hành: Chính phủ.

* Ngày ban hành: 18/10/2021.

* Ngày có hiệu lực: 10/12/2021.

* Văn bản được sửa đổi, bổ sung: Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

* Nội dung chính:

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, quy định mới đã bỏ hình thức bồi dưỡng tập sự và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 01 tuần/01 năm; một tuần được tính bằng 05 ngày học, một ngày học 08 tiết) tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP

Bên cạnh đó, theo quy định cũ, chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, thời gian thực hiện tối thiểu là 06 tuần, tối đa là 08 tuần.

Tuy nhiên, từ ngày 10/12, thời gian thực hiện chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương chỉ còn tối đa 04 tuần; thời gian thực hiện đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương chỉ còn tối đa 06 tuần. Riêng thời gian thực hiện chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương vẫn giữ tối đa 08 tuần như cũ.

Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo theo quy định pháp luật, gồm: đóng góp của viên chức; nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Nội dung mới bổ sung); các nguồn khác.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, UBND cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để:

Hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc. (Nội dung mới bổ sung)

Bên cạnh đó, bổ sung quy định kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng khác áp dụng Nghị định 101/2017/NĐ-CP do:

Cá nhân, nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.

* Thủ tục hành chính do địa phương thực hiện: Không.

* Trách nhiệm thực hiện của địa phương:

- Trách nhiệm xây dựng thể chế: Không quy định trực tiếp.

- Trách nhiệm thi hành: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

Tin liên quan