Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghị định 44/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông ...

Giới thiệu văn bản mới Nghị định của Chính phủ  
Nghị định 44/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

* Cơ quan ban hành: Chính phủ

* Ngày ban hành: 24/4/2024

* Ngày có hiệu lực: 10/6/2024

* Văn bản bị thay thế: Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

* Nội dung chính:

Ngày 24/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Nghị định này.

1. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và vùng đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (nếu có), gồm:

- Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường;

- Cầu đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ;

- Hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ;

- Bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ; cầu phao và công trình phụ trợ gắn liền với cầu phao…

2. Các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm:

- Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

-  Trường hợp cần thiết thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức khác với các phương thức quy định trên, Bộ Giao thông Vận tải (đối với tài sản thuộc Trung ương quản lý), UBND cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

3. Cho phép chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa 10 năm:

- Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho tổ chức theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

- Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoặc một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).

- Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không áp dụng đối với:

* Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia;

* Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

- Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm, phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 44/2024/NĐ-CP phê duyệt tại Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.

* Trách nhiệm thực hiện của địa phương:

- Trách nhiệm xây dựng thể chế: 

+ Ban hành văn bản mới: Không.

+ Bãi bỏ văn bản địa phương đã ban hành: Không.

- Trách nhiệm khác: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

+ Trong thời gian thực hiện thủ tục giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan, bảo đảm hoạt động giao thông đường bộ thông suốt, an toàn.

+ Chỉ đạo rà soát, phân loại, lập hồ sơ, kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

+ Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản.

+ Chỉ đạo việc đăng nhập, chuẩn hóa dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi địa phương quản lý; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này.

+ Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này.

- Cơ quan tham mưu: Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính.