Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Luật Doanh nghiệp năm 2020.

* Cơ quan ban hành: Quốc hội

* Ngày ban hành: 17/6/2020

Ngày có hiệu lực: 01/01/2021

* Văn bản hết hiệu lực: Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 năm 2014.

* Nội dung chính: 

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có nhiều cải cách quan trọng với mục tiêu hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

      Luật có 10 chương, 218 điều quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty; áp dụng đối với: Doanh nghiệp; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

* Nguyên tắc áp dụng Luật Doanh nghiệp và luật khác (Điều 3):

Trưng hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó.

* Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 16):

- Cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của Luật này; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

- Ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

- Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh.

- Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

- Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

- Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.

- Lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

*  Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

- Thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp được rút ngắn từ chậm nhất 15 ngày (Luật Doanh nghiệp năm 2014)  xuống còn 03 ngày làm việc (Khoản 1 Điều 206).

- Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây (Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020):

+ Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH.

- Các công ty không có cổ phần hoặc phần vốn góp do Nhà nước nắm giữ thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 không phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 195 của Luật này nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.

- Đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên và người đại diện theo ủy quyền mà không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm b khoản 5 Điều 14, khoản 3 Điều 64, khoản 3 Điều 93, khoản 3 Điều 101, các điểm a, b và c khoản 3 Điều 103, điểm d khoản 1 Điều 155, điểm b khoản 5 Điều 162 và khoản 2 Điều 169 của Luật này được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến hết thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

* Luật Doanh nghiệp năm 2020 giao Chính phủ quy định việc đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh.

* Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cụ thể trách nhiệm của:

- Các cơ quan quản lý nhà nước:

+ Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương.

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, chịu trách nhiệm thiết lập kết nối, liên thông và chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp các thông tin sau đây: Thông tin về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận hoặc văn bản chấp thuận về điều kiện kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp và quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp; Thông tin về tình hình hoạt động và nộp thuế của doanh nghiệp từ báo cáo thuế; báo cáo tài chính của doanh nghiệp; Phối hợp, chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

- Cơ quan đăng ký kinh doanh:

+ Giải quyết việc đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

+ Phối hợp xây dựng, quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; công khai, cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

+ Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp;

+ Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;

+ Chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp;

+ Xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp làm thủ tục giải thể theo quy định của Luật này;

+ Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Một số nội dung thay đổi quan trọng tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014:

Nội dung thay đổi

Luật Doanh nghiệp năm 2014

Luật Doanh nghiệp năm 2020

Doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88.

Đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 thì có 06 nhóm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Quy định mới bổ sung một số đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp như:

- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);

- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự (Khoản 2 Điều 17).

Thông báo mẫu dấu doanh nghiệp

Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Luật mới không quy định về việc thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp trước khi sử dụng.

 

 

 

Quyền của cổ đông phổ thông

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

- Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;

- Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;

- Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông;

- Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. (Khoản 2 Điều 114)

Theo quy định mới thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:

- Xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;

-  Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông;

- Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. (Khoản 2 Điều 115)

Tên địa điểm kinh doanh

Theo quy định hiện hành thì tên địa điểm kinh doanh bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

Theo quy định mới thì ngoài quy định về chữ viết thì bổ sung thêm tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

* Trách nhiệm thực hiện của địa phương:  

- Trách nhiệm xây dựng thể chế: Không quy định trực tiếp.

- Trách nhiệm của UBND tỉnh:

+ Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương (Khoản 3 Điều 215).

+ Ủy ban nhân dân tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, chịu trách nhiệm thiết lập kết nối, liên thông và chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp các thông tin sau đây (Khoản 4 Điều 215): Thông tin về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận hoặc văn bản chấp thuận về điều kiện kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp và quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp; Thông tin về tình hình hoạt động và nộp thuế của doanh nghiệp từ báo cáo thuế; báo cáo tài chính của doanh nghiệp; Phối hợp, chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

- Cơ quan tham mưu: Sở Kế hoạch và Đầu tư.