Skip Ribbon Commands
Skip to main content

HIỆU QUẢ TỪ CÁC CUỘC THI - HỘI THI TÌM HIỂU PHÁP LUẬT

Tin tức - Sự kiện Bản tin tư pháp  
HIỆU QUẢ TỪ CÁC CUỘC THI - HỘI THI TÌM HIỂU PHÁP LUẬT

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xem như là cầu nối giúp pháp luật đến với cán bộ, nhân dân một cách kịp thời, nhanh chóng. Khi phổ biến, giáo dục pháp luật thì một trong những yêu cầu quan trọng chính là chuyển tải chính xác các quy định pháp luật. Đây cũng là khó khăn cho các Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có thể vừa tuyên truyền, phổ biến chính xác các quy định pháp luật vừa có thể thu hút, hấp dẫn được các đối tượng được phổ biến pháp luật. Hiện nay, các hình thức tuyên truyền, phổ biến được thực hiện chủ yếu thông qua: hội nghị, tọa đàm, đối thoại, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các cuộc thi/hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép vào các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tài liệu phổ biến pháp luật, tin, bài phóng sự chuyên đề về pháp luật, qua hệ thống truyền thanh cấp xã....

Qua thực tiễn triển khai công tác PBGDPL cho thấy, muốn các quy định pháp luật đến và ở lại với người dân thì trước hết các quy định pháp luật đó là các quy định mà người dân đang có nhu cầu tìm hiểu (trường hợp chủ động tiếp cận); hai là việc truyền tải các quy định pháp luật phải cuốn hút, thu hút và tạo sự hấp dẫn cho người được phổ biến, khi đó cách truyền tải các quy định pháp luật phải được mềm hóa, linh hoạt và thường xen lẫn các tình tiết, yếu tố xung đột liên quan đến các lĩnh vực thực hiện tuyên truyền, phổ biến (yêu cầu này đặt ra nhiều đối với trường hợp đối tượng được phổ biến pháp luật chưa có vướng mắc, vấn đề liên quan trực tiếp tới các quy định pháp luật muốn tuyên truyền, phổ biến, thường là các quy định pháp luật mới cần triển khai - trường hợp tiếp cận thụ động).

Để các quy định pháp luật mới đến được với cuộc sống, cá nhân, tổ chức nắm được các quy định chung, các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức thì việc triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường được triển khai đối với cả nhóm đối tượng chủ động tiếp cận và nhóm đối tượng tiếp cận thụ động. Tuy nhiên, đối tượng phổ biến chiếm tỷ lệ lớn hơn thường thuộc về nhóm đối tượng tiếp cận thụ động. Vì vậy, khi thực hiện công tác PBGDPL đòi hỏi phải có sự đầu tư, đa dạng trong các hình thức triển khai, cách thức triển khai và nội dung triển khai phải bám sát từng nhóm đối tượng. Mặc dùng có nhiều hình thức triển khai, nhưng hình thức tuyên truyền miệng vẫn là hình thức PBGDPL chủ đạo vì nó có thể thực hiện thông qua nhiều cách thức, tạo ra sự gắn kết giữa người tuyên truyền và người được tuyên truyền. Với mỗi một hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lại có một ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, qua đánh giá của cán bộ, nhân dân thì hình thức PBGDPL thông qua các cuộc thi/hội thi (cuộc thi) tìm hiểu pháp luật được xem là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả cao và thu hút được đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia.

Với hình thức này, đối tượng tìm hiểu pháp luật khi tiếp cận pháp luật không có cảm giác khô cứng, tìm hiểu để đối phó mà có cảm giác như đang tích lũy các kiến thức để tham gia vào một sân chơi, để thể hiện mình và để giao lưu, chia sẻ những kiến thức mà mình có. Tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi và thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu pháp luật của những người tham gia. Biến từ thụ động tiếp cận pháp luật sang trạng thái chủ động tiếp cận pháp luật. Từ đó, các quy định pháp luật dần đi vào nhận thức của người tham dự cuộc thi một cách chủ động, tự nguyện và góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đối với những người hỗ trợ, cổ vũ các thí sinh tham gia dự thi, các kiến thức do người tham dự cuộc thi trình bày cũng sẽ thu hút hơn, hấp dẫn hơn và dễ nhớ hơn. Việc tổ chức các cuộc thi còn tạo ra sức cạnh tranh, lan tỏa nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong không gian, thời gian và đối tượng rộng, dài và lớn. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL. Các giải thưởng của cuộc thi cũng khích lệ, động viên các đội thi, người tham dự cố gắng phấn đấu tốt hơn tại các cuộc thi sau, tìm hiểu pháp luật và gắn pháp luật với đời sống nhiều hơn. Đây chính là những hiệu quả của hình thức PBGDPL thông qua các cuộc thi đem lại và hiệu quả hơn so với các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác.

Những năm qua, hình thức tổ chức PBGDPL thông qua các cuộc thi đã được tổ chức thường xuyên, với nhiều cuộc thi đã thu hút được đông đảo cán bộ, nhân dân tham dự và đạt hiệu quả cao. Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 25 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 29.246 lượt cán bộ, nhân dân tham gia dự thi. Các cuộc thi được tổ chức theo nhiều hình thức đa dạng như: sân khấu, thi viết, thi báo tường,...Nổi bật như một số cuộc thi bằng hình thức sân khấu, như: Hội thi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2019 do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam tổ chức; Hội thi Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và phòng, chống bạo lực học đường, Hội thi Công chức Tư pháp - Hộ tịch giỏi năm 2019 của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Kim Bảng tổ chức....Hay các cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật: về Môi trường do UBND huyện Thanh Liêm tổ chức, về Bộ luật Lao động và Bảo hiểm xã hội do UBND thành phố Phủ Lý tổ chức...

Có thể nói rằng, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật là sân chơi bổ ích để trao dồi các kiến thức pháp luật, hiểu rõ hơn ý nghĩa các quy định pháp luật; giúp việc truyền tải các quy định pháp luật gần gũi, thu hơn đối với người tiếp cận. Khuyến khích, tạo khí thế thi đua trong tìm hiểu các quy định pháp luật của cán bộ, nhân dân. Hi vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật hơn nữa để cán bộ, nhân dân có thêm nhiều cơ hội để nâng cao kiến thức pháp luật của mình và tạo chuyển biến trong thói quen tìm hiểu pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam./.