Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian qua

Tin tức - Sự kiện Bản tin tư pháp  
Đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian qua
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 619/QÐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg). Qua đó, từng bước thúc đẩy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, để người dân tiếp cận pháp luật.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng việc thực hiện tiêu chí thành phần 18.5 về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh như Kế hoạch 1624/KH-UBND ngày 22/6/2017 về việc triển khai thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt CTCPL trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Công văn số 2707/UBND-NC ngày 21/9/2017 về việc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL; Kế hoạch số 3689/KH-UBND ngày 31/12/2017 về việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Công văn số 2203/UBND-NC ngày 08/8/2018 về việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL; Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 04/01/2019 về việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường thị trấn đạt CTCPL năm 2019 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Kế hoạch số 991/KH-UBND ngày 12/4/2019 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL năm 2019. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Sở tăng cường công tác tham mưu triển khai các giải pháp, hoạt động chuyên môn liên quan đến việc thực hiện Chương trình, các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật; ban hành các Kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các xã xét công nhận nông thôn mới. Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đều ban hành Kế hoạch triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg; thực hiện tiêu chí thành phần 18.5 về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các xã xây dựng nông thôn mới, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức được 07 lớp tập huấn về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã tham gia đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật của 6 huyện, thành phố. Thường xuyên phối hợp với các địa phương, các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ quốc các cấp để đẩy mạnh các hoạt động triển khai về cơ sở có liên quan đến các tiêu chí, chỉ tiêu về nông thôn mới, chuẩn tiếp cận pháp luật. Trung bình mỗi năm, Sở đã phối hợp tổ chức được trên 100 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở. Đặc biệt là việc tổ chức được trên 130 hội nghị “Phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý và đối thoại về TTHC/khảo sát tình hình thực thi pháp luật” tại cấp xã. Trong năm 2019, Sở Tư pháp tổ chức 07 hội nghị “Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trợ giúp pháp lý và khảo sát tình hình thực thi pháp luật” (Hội nghị 3 trong 1), 22 Hội nghị “Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trợ giúp pháp lý” (Hội nghị 2 trong 1)  tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hội nghị này, giúp cán bộ, nhân dân được tiếp cận với các quy định pháp luật thông qua nhiều hình thức, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc pháp lý tại địa phương. Đồng thời, cũng đã thực hiện kết nối trực tiếp việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Báo cáo viên pháp luật với hệ thống truyền thanh cấp xã, để phục vụ đông đảo cán bộ, nhân dân tại cơ sở không có điều kiện về dự hội nghị.

Ngoài hình thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật thông qua hội nghị, Sở Tư pháp cũng thường xuyên biên tập các tài liệu tuyên truyền, tư vấn pháp luật dưới dạng điện tử và đăng tải trên Trang thông tin của Sở để phục vụ cán bộ, nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách pháp luật mới, liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân, như: giới thiệu văn bản mới, đề cương pháp luật, hỏi đáp pháp luật.... Qua đó, đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến cán bộ, nhân dân ở cơ sở. Kịp thời, tư vấn cho chính quyền, nhân dân trong giải quyết những vướng mắc, vụ việc của địa phương. Từ đó, đảm bảo việc thi hành Hiến pháp và pháp luật. Góp phần nâng cao chất lượng, vai trò của người dân trong việc thể hiện ý chí của mình, đối với những nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời, để nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí về hòa giải ở cơ sở trong tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật, hàng năm Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố; các hội, đoàn thể tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Kết hợp giữa tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở với bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới cho tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở. Chính vì vậy, trong những năm qua tỷ lệ hòa giải thành luôn đạt tỷ lệ cao, góp phần vào việc giữ gìn an ninh - trật tự tại các cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, Sở còn thường xuyên trao đổi, hướng dẫn Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp - Hộ tịch tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các xã xét công nhận nông thôn mới; chia sẻ các cách làm hay, giải pháp hiệu quả trong thực hiện các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó, không chỉ giúp các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao hiệu quả việc thực hiện tiêu chí chí thành phần 18.5 về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, mà còn góp phần vào thực hiện tiêu chí chung về hệ thống chính trị trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Để đảm bảo tính khách quan trong việc đánh giá việc thực hiện các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật của các địa phương, Sở Tư pháp cũng đã tổ chức đánh giá bằng việc phát phiếu khảo sát tại 35 xã. Qua khảo sát cho thấy, về cơ bản cán bộ, nhân dân đánh giá cao việc thực hiện các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật của chính quyền cơ sở. Năm 2018, Sở Tư pháp cũng đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các huyện, thành phố. Thông qua kiểm tra, đã kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương.

Thực hiện Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL các xã trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện nay, đã có 115/116 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Sở Tư pháp cũng đã tổ chức thẩm tra hồ sơ xét công nhận huyện nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của TP Phủ Lý và các huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm. Tại thời điểm thẩm tra hồ sơ, các xã trên địa bàn các huyện, thành phố đều đã được công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đảm bảo đáp ứng 100% các xã đạt chỉ tiêu 18.5 về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, là một trong các cơ sở để đánh giá huyện nông thôn mới.

Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Để có được kết quả trên là nhờ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra ở địa phương đã được quan tâm. Trong những năm tiếp theo, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt hơn công tác này để góp phần đưa pháp luật đến với từng người dân thông qua hoạt động lồng ghép vào các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật để từng bước đưa tinh thần, nội dung công tác đánh giá tiếp cận pháp luật đến với cán bộ và người dân ở cơ sở./.​