Skip Ribbon Commands
Skip to main content

CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM NĂM 2019

Tin tức - Sự kiện Bản tin tư pháp  
CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM NĂM 2019
Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù trong xã hội mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Sở Tư pháp, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được giao. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ pháp luật miễn phí, giảm được thời gian, công sức đi lại cho người dân, với những kết quả:

Về thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý

Tính đến hết ngày 31/10/2019, Trung tâm đã thực hiện được 551 vụ việc/ 551 đối tượng (trong đó tư vấn: 468 vụ việc/468 đối tượng; tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ: 83 vụ việc/83 đối tượng). Các vụ việc chủ yếu thuộc lĩnh vực pháp luật hình sự và hôn nhân gia đình, bên cạnh đó là các lĩnh vực pháp luật khác như: hành chính, đất đai, và các lĩnh vực pháp luật khác. Các vụ việc trên đều được Trung tâm cử người thực hiện TGPL kịp thời, đúng đối tượng, trình tự thực hiện theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. 100% các vụ việc đảm bảo chất lượng tốt. Thông qua các hoạt động tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức TGPL khác, Trung tâm đã trợ giúp miễn phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL có nhu cầu. Với việc mở rộng diện người Trợ giúp pháp lý từ 06 diện lên 14 diện người theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã mở rộng hơn diện người thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý, góp phần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm người yếu thế trong xã hội. Việc mở rộng diện thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý như hiện nay đã thể hiện rõ nét sự quan tâm toàn diện của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng yếu thế trong xã hội, tiếp tục thực hiện sâu rộng các chính sách về xóa đói giảm nghèo, chính sách dân tộc, chính sách nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa và đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp.

Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý là công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc. Trong năm 2019, số lượng vụ việc được đánh giá là 551 vụ việc, trong đó: số lượng vụ việc tư vấn pháp luật được đánh giá: 468 vụ; số lượng vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá: 83 vụ. Các vụ việc được đánh giá đều đạt 100% chất lượng tốt, không có trường hợp nào không đạt chất lượng theo quy định. Các vụ việc được đánh giá đều thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Người được TGPL hài lòng về kết quả TGPL, trình tự thủ tục và cách thức thực hiện vụ việc; người thực hiện TGPL đã tích cực nghiên cứu hồ sơ và văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật và các giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để người được TGPL lựa chọn cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.   

Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng:

Để thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã ban hành Kế hoạch số 01/KHPHLN ngày 14/02/2019  Kế hoạch phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2019; Công văn số 01/STP-TGPL ngày 20 tháng 8 năm 2019 về việc triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp Hà Nam và Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh Hà Nam. Các quy chế góp phần quan trọng vào việc đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, bị cáo thuộc đối tượng trợ giúp của Trung tâm TGPL Nhà nước đồng thời đảm bảo cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý trong quá trình giải quyết vụ án như đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án,...

Công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác

Để  tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật về Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, … trợ giúp pháp lý. Tính đến tháng 10 năm 2019 Trung tâm đã tham gia được 68 buổi trợ giúp pháp lý lưu động, thu hút khoảng 5900 người tham dự, trong đó số người  thuộc diện được TGPL 398 người. Phát trên 19.000 tờ gấp pháp luật .

Trung tâm thực hiện các công việc khác theo sự phân công của lãnh đạo cấp trên

 Ngoài trợ giúp pháp lý cho các đối tượng, Trung tâm còn tham gia đóng góp ý kiến vào một số vụ việc phức tạp trên địa bàn tỉnh, tham gia giới thiệu văn bản mới, tham gia thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh. Xây dựng và giải đáp các tình huống nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ TGPL, tham dự Hội thảo chương trình đối tác do Cục TGPL tổ chức …Tham gia báo cáo viên pháp luật do Sở Tư pháp tổ chức về một số Bộ Luật, Luật mới ban hành góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, trợ giúp pháp lý như: Luật Hôn nhân và gia đình 2013, Luật Đất đai 2013, Bộ Luật Hình sự 2015, Bộ Luật dân sự 2015, Luật Giao thông đường bộ,...

Thuận lợi, khó khăn

Thuận lợi: Công tác TGPL đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Lãnh đạo Sở Tư pháp; sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban , ngành, đoàn thể, tổ chức có liên quan và sự quan tâm của nhân dân. Việc thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng đã đáp ứng được nhu cầu TGPL của người dân trên địa bàn.  Đội ngũ làm công tác TGPL có nhiều cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Khó khăn: Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, trong quá trình triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua, Trung tâm còn gặp một số khó khăn như: Đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý còn thiếu về số lượng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động. Số lượng luật sư tham gia làm cộng tác viên chiếm tỷ lệ nhỏ, các vụ việc tham gia tố tụng chủ yếu do Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm thực hiện.

Kinh phí nhà nước ở địa phương dành cho công TGPL còn nhiều hạn chế.  Điều kiện cơ sở vật chất còn rất khó khăn, phương tiện phục vụ công việc đã lâu năm. Quá trình cập nhật vụ việc vào phần mềm quản lý vụ việc trợ giúp pháp lý gặp khó khăn do đường truyền không ổn định và hệ thống máy móc tại đơn vị còn thiếu thốn.

Để công tác TGPL ngày càng hoạt động hiệu quả hơn nữa, trong năm 2020 Trung tâm đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tổ chức quán triệt, truyền thông về nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và hoạt động TGPL; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025; Chỉ thị số 28 - CT/TU ngày 14/9/2015 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác TGPL trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 2138/KH-UBND ngày 14/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025;

Thứ hai, nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ người thực hiện TGPL qua đó nâng cao chất lượng vụ việc TGPL;

Thứ ba, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác;

Thứ tư, tích cực phối hợp có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm nâng cao số lượng, chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng; Tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng hoạt động TGPL;

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TGPL tại cơ sở tập trung các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã xây dựng nông thôn mới, các xã trọng điểm về HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh;

Thứ  sáu, mở rộng các đối tượng Cộng tác viên là luật sư có năng lực, nhiệt tình với công tác TGPL, vận động các tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL theo quy định của pháp luật./.