Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2019

Tin tức - Sự kiện Bản tin tư pháp  
Công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2019

Xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước ta trong bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Để biết được nhiệm vụ này được thực thi ở mức độ nào, đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả hay chưa, có những thuận lợi, đạt được những kết quả nào cần phát huy, còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập nào cần khắc phục, tháo gỡ, trước hết thông qua chính những cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phản ánh, báo cáo; qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền; qua phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23  tháng 07 năm 2012 của Chính phủ đã quy định về nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, Bộ Tư pháp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Đồng thời Nghị định cũng đã quy định sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Mục đích theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Năm 2019, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 11/01/2019 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 và xây dựng Chương trình cụ thể để thực hiện theo dõi thi hành pháp luật. Để triển khai Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2019, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 675/QĐ-UBND ngày 24/4/2019 về thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về TDTHPL trên địa bàn tỉnh năm 2019. Trong tháng 8 năm 2019, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện thủ tục hành chính (thực hiện từ 01/01/2019 đến 30/6/2019), tình hình xử lý vi phạm hành chính(thực hiện từ 01/01/2019 đến 30/6/2019);tình hình ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính (thực hiện từ 01/01/2018 đến 30/06/2019) tại huyện Duy Tiên, huyện Lý Nhân, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo. Qua kiểm tra vẫn còn những điểm chưa phù hợp trong quá trình thực thi pháp luật của các đơn vị. Đoàn kiểm tra đã chỉ ra qua các Thông báo Kết luận kiểm tra và đã được các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm và có phương hướng, biện pháp khắc phục cụ thể đối với các yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

 Bên cạnh việc kiểm tra, công tác theo dõi thi hành pháp luật còn được tiến hành thông qua việc thu thập thông tin. Hoạt động thu thập thông tin được tiến hành từ các nguồn: Báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước về tình hình thi hành pháp luật, các báo cáo về các lĩnh vực luật chuyên ngành như công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác thi hành pháp luật về luật hộ tịch, công chứng…. thông tin về các vụ việc, phản ứng chính sách (thông qua xử lý các vụ việc còn vướng mắc, các vụ việc phức tạp trên địa bàn liên quan đến nhiều lĩnh vực ban, ngành; giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân); thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân phản ánh, cung cấp; tiếp nhận, thu thập thông tin phản ánh, dư luận từ các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin từ quản lý nhà nước theo lĩnh vực; thông tin từ kết quả hoạt động của các cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra. Trên cơ sở thu thập thông tin về thi hành pháp luật, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành xử lý thông tin theo thẩm quyền, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý thông tin theo quy định. Sở Tư pháp và các Sở, ngành đã xử lý và tham mưu cho UBND tỉnh xử lý hơn 150 thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong năm 2019.

Để nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp đã tổ chức khảo sát tình hình thực thi pháp luật tại 07 xã (Phường: Liêm Chính, Lam Hạ, Trần Hưng Đạo và các xã: Tiến Lý, Chiến Thắng, Tiên Nội, Trác Văn, Tiên Ngoại), nội dung khảo sát về việc thực hiện thủ tục hành chính, chuẩn tiếp cận pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, việc thực hiện chính sách xã hội và chế độ Bảo hiểm xã hội và xây dựng báo cáo khảo sát đối với các địa bàn, cơ sở đã khảo sát.

Công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh tuy đã đi vào nề nếp, nhưng trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện vẫn còn có những hạn chế như: Việc triển khai theo dõi thi hành pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả cao. Việc triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật (đặc biệt là hoạt động kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật) ở nhiều Sở, ngành và địa phương đôi khi vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước. Việc thực hiện chế độ báo cáo, việc thực hiện chế độ báo cáo theo dõi thi hành pháp luật hàng năm tuy đã đi vào nề nếp, nhưng chất lượng báo cáo chưa cao…. Nguyên nhân của vấn đề trên nằm ở chỗ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nhiệm vụ phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành quản lý. Một số Sở, ngành, địa phương công tác chỉ đạo triển khai hiệu quả chưa cao, chưa đánh giá đúng và đề cao hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật. Đội ngũ làm công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị đa phần là kiêm nhiệm.

Vì vậy, để công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện triệt để, cụ thể hơn, các ngành, các cấp cần thường xuyên rà soát, thống kê, phân loại các nhiệm vụ theo các quy định của Luật, Pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật chưa được thi hành, chưa phát huy hiệu lực trên thực tế để kịp thời triển khai, kiến nghị hoàn thiện thể chế. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai, thi hành các quy định pháp luật. ​