Skip Ribbon Commands
Skip to main content

CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT MỘT NĂM NHÌN LẠI

Tin tức - Sự kiện Bản tin tư pháp  
CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT MỘT NĂM NHÌN LẠI
Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục tư tưởng, chính trị; góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Từ đó, góp phần ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi pháp luật, giảm thiểu các hậu quả phát sinh do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai công tác PBGDPL năm 2019, triển khai các Chương trình, Đề án của các Bộ, ban, ngành về công tác PBGDPL; Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch hoạt động trong năm 2019. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tiễn các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng các kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai tại cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Trong năm 2019, các Sở, ban, ngành và các địa phương đã tổ chức được 1.238 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thu hút hơn 147.510 lượt người tham dự. Nội dung các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tập trung vào các Luật mới được Quốc hội thông qua; các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; các nội dung phổ biến trọng tâm của các Đề án PBGDPL của Trung ương; các quy định liên quan đến các vấn đề dư luận xã hội quan tâm...Để đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hội nghị, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 07 hội nghị “Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trợ giúp pháp lý và khảo sát về tình hình thực thi pháp luật” (Hội nghị 3 trong 1), 22 Hội nghị “Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trợ giúp pháp lý” (Hội nghị 2 trong 1) tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hội nghị này, cán bộ, nhân dân ở cơ sở không chỉ được tiếp cận các chính sách pháp luật thông qua nội dung phổ biến của Báo cáo viên pháp luật Sở Tư pháp mà còn được tiếp cận thông qua hình thức tư vấn, trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Nam, được đánh giá về tình hình thực thi pháp luật của cán bộ, công chức địa phương và đánh giá hiệu quả của công tác PBGDPL. Các hội nghị 3 trong 1, 2 trong 1 cũng là một trong các giải pháp của Sở Tư pháp để hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện các tiêu chí Chuẩn tiếp cận pháp luật.

Bên cạnh hình thức tuyên truyền, phổ biến thông qua hội nghị, một điểm nhấn trong công tác PBGDPL trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh là việc triển khai các cuộc thi/hội thi tìm hiểu pháp luật. Đến nay, đã có 25 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 29.246 lượt cán bộ, nhân dân tham gia dự thi. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật này đã góp phần làm mềm hóa việc giới thiệu, phổ biến các chính sách pháp luật đến với cán bộ, nhân dân. Tạo không khí sôi nổi, thi đua trong tìm hiểu các chính sách pháp luật. Trong năm, cũng đã có trên 120.000 lượt tài liệu pháp luật được biên tập, cấp phát cho cán bộ, nhân dân; hàng ngàn tin, bài phóng sự, phổ biến các chính sách mới được đăng tải, phát trong trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã được triển khai đồng bộ tại các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Các quy định pháp luật mới được thường xuyên cập nhật, giới thiệu kịp thời trên các Trang Thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trang Thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh cũng đã phát huy hiệu quả trong việc giới thiệu, phổ biến các quy định pháp luật mới được ban hành, các tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nghiên cứu pháp luật, truyền thông các hoạt động triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.

Tại cơ sở, các Câu lạc bộ pháp luật thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, phổ biến những quy định pháp luật mới đến các thành viên. Hệ thống truyền thanh cấp xã thường xuyên duy trì phổ biến các quy định pháp luật  đến cán bộ, nhân dân định kỳ 3 lần/tuần. Hoạt động PBGDPL cũng được triển khai thông qua hoạt động của các tổ hòa giải, các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật của các tổ chức, đoàn thể tại cơ sở, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: thi hái hoa dân chủ, lồng ghép các quy định pháp luật vào các tiết mục văn nghệ...

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật) cũng đã được triển khai thường xuyên, hiệu quả trong cả năm và trọng tâm trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật. Đến nay, việc triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật đã đi vào nề nếp với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và thiết thực. Nổi bật trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay tại các địa phương là cuộc thi “Công chức Tư pháp - Hộ tịch giỏi năm 2019” của huyện Kim Bảng, đây không chỉ là hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Ngày Pháp luật mà còn là sân chơi bổ ích, ý nghĩa đối với các Công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn huyện Kim Bảng, góp phần động viên những người làm công tác Tư pháp tại cơ sở.

Năm 2019 cũng là năm tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Các hoạt động triển khai tổng kết đã được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Với nhiều hoạt động đã được triển khai tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, như: tọa đàm, kiểm tra, tổng kết, khen thưởng...Qua tổng kết đã đánh giá khách quan thực trạng triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) và đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới.

Có thể nhận thấy, công tác PBGDPL năm 2019 đã được triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã phát huy vai trò tư vấn, hướng dẫn, định hướng triển khai và đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị - xã hội trong thực hiện công tác PBGDPL. Hình thức tuyên truyền, phổ biến đã được thực hiện phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Hình thức tuyên truyền trên môi trường mạng đã từng bước được triển khai có hiệu quả. Nội dung tuyên truyền, phổ biến được xác định rõ ràng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và bám sát với những nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo ra sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sỹ và mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội và thúc đẩy nhu cầu tự tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Một số cơ quan, địa phương đã triển khai hiệu quả, bài bản trong công tác PBGDPL như: Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Kim Bảng, UBND huyện Thanh Liêm….

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm 2020 cũng cần phải có những giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc thu hút đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, nguồn lực xã hội hóa tham gia các hoạt động PBGDPL; tăng cường hơn nữa việc đa dạng hóa các hình thức PBGDPL để thu hút nhu cầu chủ động tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân.​