Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vũ Trọng Khánh: Vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên - Người đặt nền móng cho nền Tư pháp vì công lý

70 năm Ngành Tư pháp Việt Nam  
Vũ Trọng Khánh: Vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên - Người đặt nền móng cho nền Tư pháp vì công lý

1. Vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên

Luật sư Vũ Trọng Khánh sinh ngày 13-3-1912, nguyên quán: thôn Cự Đà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội).

Từ năm 1920, ông học tại “trường Tây” Lycee Albert Surrant. Đây là một trong những ngôi trường trung học nổi tiếng nhất ở Đông Dương, được thành lập năm 1919 (hiện nay là trụ sở của Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trường do Toàn quyền Đông Dương Albert Surrant quyết định thành lập với nhiệm vụ thu nhận học sinh người Pháp và học sinh con em quan chức người Việt, Miên, Lào nhằm đào tạo đội ngũ kế tiếp làm việc cho Pháp tại Đông Dương.

Tại trường, tinh thần hiếu học của học sinh Vũ Trọng Khánh được các giáo sư Pháp đánh giá rất cao. Tập Hồi ký của Luật sư Vũ Trọng Khánh (tháng 11/1994, bản viết tay do gia đình cố luật sư Vũ Trọng Khánh cung cấp) ghi: Bà giáo sư Gauthier, Thạc sỹ văn học Pháp coi học sinh Khánh giỏi văn học Pháp thứ nhì trong lớp, còn giáo sư sử địa nhận xét “Khánh học không vì điểm mà để hiểu biết”. Đỗ tú tài Pháp xong, Vũ Trọng Khánh không ra làm quan tri huyện, tri phủ như ý muốn của cha ông bởi ông coi “các quan ta là kẻ hầu nhục nhã của các quan Pháp”.

Năm 1932 sau khi ông đỗ tú tài, ông học Đại học Luật ở Hà Nội, chương trình do các giáo sư thạc sỹ từ Paris đến giảng dạy. Hồi ký ghi:“Anh Võ Nguyễn Giáp lúc đó học trên một lớp và đã được giáo sư thạc sỹ kinh tế chính trị học Kherian khen”. Tháng 7-1932, Vũ Trọng Khánh kết hôn với bà Trịnh Ngọc Lan, em gái ruột luật sư nổi tiếng Trịnh Đình Thảo (1901-1986) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim sau này (1945).

Năm 1936, Vũ Trọng Khánh tốt nghệp cử nhân luật. Từ 27-2-1938 ông làm Thư ký Văn phòng luật sư Laubies. Ngày 20-12-1941, ông tuyên thệ Luật sư trước Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Một thời gian ngắn sau đó, Vũ Trọng Khánh về Hải Phòng làm luật sư, “danh tiếng là một luật sư người Việt giỏi lan lên Tòa Thượng thẩm Hà Nội, được các đồng nghiệp người Pháp trọng nể vì là người Việt cãi bằng tiếng Pháp thành thạo”. Cũng trong giai đoạn này, thời kỳ Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp, ông tham gia nhóm làm báo Le Travail (Báo Lao động), đón Godard ở Hà Nội, tham gia vào các tổ nghiên cứu Mác-xít và tổ Thanh niên Dân chủ. Trong Hồi ký ông thừa nhận ông đã có “xu hướng mác-xít” từ giai đoạn này.

Giai đoạn 1943-1945 tại Hải Phòng, luật sư Vũ Trọng Khánh đã sử dụng chuyên môn nghiệp vụ và các mối quan hệ của mình để có nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ cho sự phát triển của phong trào cách mạng. Thậm chí ông còn có ý định lên chiến khu hoạt động, Hồi ký của ông ghi: “Mấy tháng tiền khởi nghĩa tôi đã lên Hà Nội tìm Hoàng Minh Chính để xin đi chiến khu nhưng chưa kịp thực hiện thì Cách mạng tháng 8 đã nổ ra”.

Tháng 7-1945, luật sư Vũ Trọng Khánh làm thị trưởng Hải Phòng trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Về việc này, Hồi ký của ông ghi: “Tháng 7-1945, hai bạn tôi là Vũ Văn Hiền và Phan Anh là hai Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim rủ tôi ra làm Thị trưởng Hải Phòng. Tôi lên Hà Nội hỏi ý kiến anh Vũ Đình Huỳnh cán bộ Việt Minh... Tôi nhận làm Thị trưởng Hải Phòng của Chính phủ Trần Trọng Kim từ 25-7-1945 với dụng tâm giúp đỡ Cách mạng, bảo vệ Việt Minh”.

Sau này, trong cuốn “Nội các Trần Trọng Kim-Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2010, PGS.TS Phạm Hồng Tung đã có những nhận xét giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những người tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim:

“Dù cho về bản chất Nội các Trần Trọng Kim là một chính phủ bù nhìn do người Nhật dựng lên, nhưng không phải tất cả các cá nhân thành viên nội các đều là những kẻ bù nhìn của người Nhật.

Nhiều chứng cứ lịch sử cho thấy một số thành viên của nội các vốn là những trí thức, nhân sĩ tiến bộ, yêu nước. Mặc dù họ khá hiểu biết thời thế, biết rằng Nhật Bản đã ở vào thế tuyệt vọng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng với lòng nhiệt thành yêu nước, họ đã đồng ý tham gia Nội các Trần Trọng Kim với ý thức phụng sự, đấu tranh cho nền độc lập và lợi ích của dân tộc, muốn tranh thủ điều kiện để xúc tiến một số cải cách tiến bộ vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Sự tham gia của họ cần được nhìn nhận như một yếu tố tích cực, góp phần ngăn chặn sự tham chính, cầm quyền của những phần tử thân Nhật phản động, ngăn ngừa những phần tử thân Nhật trong nội các rắp tâm làm tay sai cho người Nhật, đồng thời ra sức cổ vũ lòng yêu nước của quần chúng nhân dân, đề xuất và cố gắng thực thi ở mức độ nhất định một số chính sách cải cách tiến bộ…”

Trong không khí cách mạng sục sôi, chỉ trong vòng hai tuần lễ, từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc và nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, giành độc lập dân tộc. Sau tổng khởi nghĩa thành công, ngày 28-8-1945 tại Hà Nội, Ủy ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhiều ủy viên của Việt Minh đã rút lui để các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ lâm thời. Thành phần Chính phủ lâm thời có Bộ Tư pháp, ông Vũ Trọng Khánh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ngày 28-8 đã đi vào lịch sử Ngành Tư pháp và trở thành Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp (Quyết định số 715-TTg ngày 07/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ) và luật sư Vũ Trọng Khánh trở thành vị Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên trong lịch sử Ngành Tư pháp.

Hồi ký của ông ghi: “Tham gia cướp Chính quyền ở Hải Phòng xong thì được điện của anh Võ Nguyên Giáp, tôi lên Hà Nội ngày 26 -8 - 1945 nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.

Về tình hình đất nước lúc bấy giờ, Tập Hồi ký ghi:

“Lúc bấy giờ các quan chức Pháp đã bị quân Nhật giam trong cuộc đảo chính Pháp ngày 9-3-1945. Đến ngày 18-8-1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Quân Trung Quốc cử Lư Hán vào Việt Nam giải giáp quân Nhật: một lũ quân giắt theo cả vợ con lê thê lếch thếch gồng gánh vào Bắc Kỳ kiếm ăn vì đói!

Ngày 2-9-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam họp mit-tinh tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập đi vào lòng dân từ Bắc chí Nam, đập vào bọn quân đang xâm nhập Việt Nam: quân Tầu ở miền Bắc, Pháp ở miền Nam và truyền ra Thế giới.

Trong tình hình rối ren lúc bấy giờ, tôi bắt tay vào xây dựng Bộ Tư pháp trên tinh thần cảnh giác đối với bọn Tầu trắng (quân Lư Hán) và bọn Pháp (Sainteny) không để chúng lấn áp mình. Bọn Pháp đã dựa vào thế Đồng Minh nhảy dù xuống Bắc Bộ Việt Nam. Một hôm một anh Pháp dẫn một lính Tàu đến gặp tôi đòi thả các công chức Pháp đang bị giam. Tôi từ chối, họ phải ra về. Tôi giao du với Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại đã từ chức) để ổn định tư tưởng cho ông ta: lúc đó Vĩnh Thụy đã rời Huế ra Hà Nội nhận danh nghĩa cố vấn Chính phủ cách mạng”.

Ngày 20-9-1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh được cử tham gia Ủy ban dự thảo Hiến pháp và là 1 trong 7 thành viên (Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy - tức Bảo Đại, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu - tức Trường Chinh).

Ngày 1-12-1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh ký Nghị định số 37 đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp, tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp lúc đó gồm Phòng sự vụ nội bộ, Phòng viên chức và kế toán, Phòng giám đốc hộ vụ, Phòng giám đốc hình vụ, Phòng giám đốc việc quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân.

Để mở rộng hơn nữa đại đoàn kết dân tộc và nhu cầu của ngoại giao, Chỉnh phủ Trung ương đã được mở rộng thành Chính phủ liên hiệp lâm thời. Ngày 1-1-1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời ra mắt quốc dân, có thêm các gương mặt đại biểu cho các lực lượng, đảng phái, kể cả đảng phái đối lập như Việt cách, Việt quốc. Thành phần Chính phủ liên hiệp lâm thời gồm có Bộ Tư pháp, ông Vũ Trọng Khánh tiếp tục giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp trong 181 ngày nhưng luật sư Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ. Trang vi.wikipedia.org đã đánh giá về những đóng góp của ông như vậy, đồng thời giải thích lý do ông không tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau ngày 2 tháng 3 năm 1946 thông qua giải thích của con trai ông là TS. Vũ Trọng Khải như sau:

Điều 47, Hiến pháp 1946 ghi: "… Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách…". Tức là Bộ trưởng nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội (chính vì Hiến pháp 1946 quy định Bộ trưởng phải là nghị viên (đại biểu quốc hội) nên Luật sư Vũ Trọng Khánh, do không đắc cử đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng, không được giữ chức Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ chính thức và chuyển sang giữ chức vụ Chưởng lý Tòa thượng thẩm, tức Viện trưởng Viện công tố tại Tòa án tối cao, và cụ Vũ Đình Hòe rời chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ lâm thời để nhận chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ chính thức.

Về lý do Luật sư Vũ Trọng Khánh thất cử đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng năm 1946, cụ Vũ Đình Hòe đã kể với tôi là do bọn Việt quốc, Việt cách phá hoại, muốn loại cụ Vũ Trọng Khánh, bằng cách bôi trên các tờ áp phích để biến tên "Vũ Trọng Khánh" thành tên "Vũ Hồng Khanh", một lãnh tụ Việt quốc; còn chính Luật sư Vũ Trọng Khánh đã kể với tôi rằng, do cụ đã không nhận lời giới thiệu là ứng viên của Mặt trận Việt minh, cụ rất tự tin ra ứng cử với tư cách ứng viên tự do không thuộc đảng phái nào. Sau khi thất cử đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Luật sư Vũ Trọng Khánh về ứng cử ở Hà Đông, quê nhà, theo sự giới thiệu của Mặt trận Việt minh, trong đợt bầu cử bổ sung, nhưng Luật sư Vũ Trọng Khánh tự ái không ra ứng cử nữa.

Còn Tập Hồi ký của Luật sư Vũ Trọng Khánh giải thích việc này như sau: Ngày 6-1-1946, ở Hà Nội, anh Vũ Đình Hòe, anh Cù Huy Cận vận động tôi vào Đảng Dân chủ. Tôi không nhận vì nguyện vọng tôi hướng về Đảng Cộng sản. Một buổi trưa anh Võ Nguyên Giáp tự nhiên đến phòng tôi nằm nghỉ trên giường, tôi hơi ngạc nhiên liền sang chơi phòng khác để anh Giáp được yên tĩnh. Về sau mới biết rằng hồi đó có một sự phân bố chức vụ Bộ trưởng cho các đảng phái. Bộ Tư pháp phân cho Đảng Dân chủ và tôi mới hiểu sở dĩ mời tôi vào Đảng Dân chủ là để giao phụ trách Bộ Tư pháp. Tiếc rằng các anh không nói rõ ý đồ, anh Giáp thì không kịp nói gì với tôi, nên tôi không đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Tư pháp và chức vụ đó được giao cho anh Vũ Đình Hòe, đảng viên Đảng Dân chủ, có học luật. Anh Vũ Đình Hòe đến mời tôi làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp để cộng tác với anh. Tôi không nhận nên anh Trần Công Tường được giao chức vụ đó”.

Tháng 7-1946, luật sư Vũ Trọng Khánh được cử dự Hội nghị Fontainebleau trong phái đoàn Phạm Văn Đồng.

Kháng chiến bùng nổ, từ tháng 12-1946 đến tháng 12-1948, luật sư Vũ Trọng Khánh nhận chức Giám đốc Tư pháp chiến khu 10 gồm 6 tỉnh: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.

Từ năm 1949 đến tháng 12-1951, luật sư Vũ Trọng Khánh là Trưởng Ban Nghiên cứu pháp lý và 1951-1954 làm Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp. Tháng 10-1954 ông tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội.

Tháng 5-1955 ông tình nguyện tham gia tiếp quản Hải Phòng vì “ham muốn hoạt động trong thực tế thiết thực”; Từ tháng 8-1955 đến tháng 12-1956, ông là Ủy viên Ủy ban hành chính Hải Phòng; Từ 12-1956 đến 4-1961, là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hải Phòng.

Ngày 19-3-1957 ông xin gia nhập Đảng Lao động Việt Nam, tuy nhiên việc này không được chấp nhận. Tập Hồi ký có nhắc lại lý do của việc này như sau: Sau khi thỉnh thị Trung ương, đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân cho biết ý kiến Hồ Chủ tịch là: Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Trọng Khánh để ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn.

Ngoài ra, luật sư Vũ Trọng Khánh còn giữ các chức vụ: Đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa Bình Hải Phòng, Hội trưởng Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Hải Phòng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng, Trưởng ban vận trù học, Tham gia Đoàn Luật sư và là bào chữa viên Hải Phòng, Chủ tịch Hội luật gia Hải Phòng.

Ông nghỉ hưu ngày 13-10-1977.

2. Người đặt nền móng cho nền Tư pháp vì công lý

Trong Tập hồi ký của mình, luật sư Vũ Trọng Khánh viết:

Tôi đã xây dựng 4 Sắc lệnh Tổ chức Tư pháp được Hồ Chủ tịch ký và tôi tiếp ký. Dựa vào kinh nghiệm tổ chức Nhà nước của Pháp và Khoa học pháp lý, bốn Sắc lệnh đã được cấu tạo nhằm dựng lên một chính quyền mới thành lập mà có điều kiện để tự duy trì và phát triển.

a) Sắc lệnh số 4 ngày 10 -10-1945 (Công báo số 4 ngày 20 tháng 10 -1945) tổ chức các đoàn Luật sư. Tổ chức luật sư được tạm giữ như cũ theo Sắc lệnh 25-5-1930 của thời Pháp thuộc với những sửa đổi sau:

Điều 2. Luật sư có quyền bào chữa trước các Tòa án tỉnh trở lên và trước các tòa án quân sự (chứ không bị hạn chế ở một số Tòa án như dưới thời Pháp)

Điều 3. Điều kiện làm luật sư không hạn chế như dưới thời Pháp thuộc mà chỉ đòi hỏi:

- Có quốc tịch Việt nam, bất kể nam hay nữ

- Có bằng cử nhân luật

- Đã tập sự thành công trong 3 năm.

Điều 4. Hạnh kiểm tốt.

b) Sắc lệnh số 53 ngày 20-10-1945 (Công báo số 7 ngày 16-2-1946) quy định quốc tịch Việt Nam, trong khi chờ Bộ Dân luật của nước Việt Nam.

c) Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 (Công báo số 7) tổ chức các tòa án và ngạch thẩm phán gồm 114 điều.

d) Sắc lệnh số 21 ngày 14-2-46 (Công báo số 9 ngày 2-3-46) tổ chức tòa án quân sự.

đ) Ngoài ra Bản Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Hồ Chủ tịch ký và tôi tiếp ký.

Bốn Sắc lệnh kể trên và bản Hiến pháp là nền đá đầu tiên xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập tự chủ một cách thiết thực cụ thể.

Sắc lệnh số 4 tổ chức đoàn luật sư là những nhà chuyên môn về pháp luật để làm cố vấn, để bênh vực quyền lợi cho đương sự. Nghiệp vụ luật sư không bị hạn chế như thời Pháp thuộc.

Sắc lệnh số 13 dựng nên các tòa án xét xử trong chế độ mới.

Sắc lệnh 21 quy định về tòa án quân sự.

Bản Hiến pháp xác định tư thế của Nước Việt Nam độc lập tự do và mối quan hệ với các nước trên thế giới.

Về mặt quốc tế, Hiệp định Paris ngày 27-1-73 và các Nghị định thư tiếp theo chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, xác định các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Ông cũng còn những trăn trở về công tác xây dựng văn bản trong thời kỳ đó: “Trong tình hình rối ren, mới mẻ, lúc có nhiều ý kiến khác nhau, lúc không có ý kiến của các anh em, các tổ chức không chuyên về pháp luật trong nước và quốc tế, tôi đã chịu trách nhiệm thảo ra các quy định cơ bản kể trên được Hồ Chủ tịch và Trung ương chấp thuận, những quy định có giá trị lịch sử của thời kỳ đó và giá trị khoa học mang lại hiệu quả thực tế”.

Những tư tưởng, khát vọng về một nền công lý đích thực đã được Nguyễn Ái Quốc - người sáng lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà truyền bá về Việt Nam từ năm 1925 trong tác phẩm “Bản án Chế độ thực dân Pháp”(Chương VIII - Công lý). Tuy nhiên, khi nghiên cứu lịch sử nhà nước cách mạng Việt Nam từ năm 1945, trong hệ thống các văn bản pháp lý, có lẽ công lý chính thức xuất hiện lần đầu tiên và để lại một dấu ấn rõ nét là tại Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 01 năm 1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đây là một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới. Trước đó, công lý cũng xuất hiện trong bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 19 tháng 9 năm 1945. Qua hai tư liệu nêu trên, có thể thấy rằng trong giai đoạn đầu của nhà nước cách mạng nhân dân, Nhà nước Việt Nam đã sớm thừa nhận những giá trị của công lý. Ngược lại, công lý cũng đã trở thành vũ khí tư tưởng, chính trị, pháp lý sắc bén ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân, góp phần làm sáng rạng tính chính nghĩa, chính đáng, hợp pháp, góp phần thể hiện sâu sắc và rõ nét bản chất và tư tưởng xây dựng nhà nước thân dân, vì dân ngay từ những ngày đầu thành lập nhà nước cách mạng.

Với nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công lý, ngay sau khi thành lập nhà nước cách mạng nhân dân, chúng ta đã hết sức quan tâm đến nhiệm vụ của chính quyền nhân dân trong việc bảo vệ và thực thi công lý.  Điều 47 Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 01 năm 1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã khẳng định “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Điều 25 Sắc lệnh này quy định: “Khi các Phụ thẩm nhậm chức, tại phiên toà đầu, ông Chánh án sẽ mời các Phụ thẩm tuyên thệ, nội dung lời tuyên thệ là “Tôi thề trước Công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi hay vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc…”. Có thể nói, công lý và bảo vệ công lý đã trở thành vũ khí tư tưởng, chính trị, pháp lý sắc bén khẳng định tính chính nghĩa, tinh thần chuộng lẽ phải của chính quyền nhân dân ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng.

Tại Hồi ký, phần Ngẫm lại cuộc đời, luật sư Vũ Trọng Khánh bộc bạch: “Từ nhỏ tôi đã chuộng lẽ phải…”. Tôi lấy làm hạnh phúc được sống trong thời đại có những chủ nghĩa, những phong trào mưu cầu chính nghĩa…”… Tình yêu công lý, lẽ phải và chính nghĩa đó cũng chính là lý do đã thôi thúc ông nhận chức Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc Bộ, Hồi ký viết: “Về sau tôi nhận làm Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc Bộ với dụng tâm sẽ bắt tay trực tiếp xây dựng cụ thể các Tòa án theo Sắc lệnh 13 “của tôi”…

Từ năm 1986, cùng với chính sách nhất quán về đổi mới kinh tế và quyết tâm chính trị thực hiện dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, công lý cùng những giá trị thiên chức của mình đã được ghi nhận trở lại và từng bước chiếm lĩnh một vị trí trọng yếu, thiêng liêng trong đời sống chính trị - xã hội tại Việt Nam. Trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, công lý đang ngày càng trở thành một giá trị phổ quát trong toàn xã hội. Với nhận thức về tầm quan trọng đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, sau 4 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đến bản Hiến năm 1992 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28 tháng 11  năm 2013, các yêu cầu về tiếp cận/thực thi/bảo vệ công lý đã được khẳng định và ghi nhận một cách mạnh mẽ. Theo đó, bảo vệ công lý được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, cơ bản, quan trọng và xuyên suốt của Tòa án nhân dân, cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp sửa đổi năm 2013).

Sự hồi sinh của các giá trị công lý trong những văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng và trong từng hơi thở của bầu không khí dân chủ cuộc sống ngày hôm nay càng làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn, thấm thía hơn những giá trị nhân văn, dân chủ của nền tư pháp vì công lý và những đóng góp lớn lao của vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên ngay tại Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 01 năm 1946. Trong Tập hồi ký, luật sư Vũ Trọng Khánh viết ông “sẽ bắt tay trực tiếp xây dựng cụ thể các Tòa án theo Sắc lệnh 13 “của tôi””, chữ “của tôi” được luật sư để trong “…” như để thể hiện trân trọng, sự gắn bó “máu thịt”, không thể tách rời của mình với những giá trị công lý trong từng câu, từng chữ tại Sắc lệnh số 13. 

Luật sư Vũ Trọng Khánh mất vào đầu năm 1996.

Trong Điện chia buồn gửi gia đình cố luật sư Vũ Trọng Khánh ngày 25-1-1996, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:

“Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, các thế hệ cán bộ tư pháp luôn khắc sâu và tự hào về Vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên, Người đã có công lao to lớn trong việc đặt nền móng cho nền Tư pháp vì công lý./.

Thạc sỹ Nguyễn Xuân Tùng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp

 

(nguồn: www.moj.gov.vn)
Tin liên quan