Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch phối hợp trợ giúp cho người khuyết tật năm 2016.

Tin tức - Sự kiện Tư vấn, Trợ giúp pháp lý  
Kế hoạch phối hợp trợ giúp cho người khuyết tật năm 2016.
Thực hiện Kế hoạch 1090/KH-UBND ngày 24/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2016 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam đã cùng xây dựng Kế hoạch phối hợp Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2016.

Với mục tiêu thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức của cộng đồng về quyền các quyền của người khuyết tật; tăng cường năng lực và tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó , chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng) cho người khuyết tật, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để đông đảo người khuyết tật biết quyền được trợ giúp pháp lý và tiếp cận với dịch vụ này. Trung tâm trợ giúp pháp lý và Hội người khuyết tật đã cùng nhau phối hợp đưa ra các nội dung trợ giúp bao gồm:

Thứ nhất, lắp đặt bảng thông tin, hộp tin tại trụ sở Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật.

Thứ hai, khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật theo các lĩnh vực pháp luật và theo các dạng khuyết tật (khuyết tật nhìn, khuyết tật nghe nói, khuyết tật vận động) để triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có hiệu quả.

Thứ ba, tổ chức trợ giúp pháp lý nơi cư trú, sinh sống làm việc của người khuyết tật (các xã, phường, thị trấn nơi có người khuyết tật, tại các Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật). Dự kiến đến hết năm 2016 tổ chức ít nhất 06 buổi tại 06 huyện, thành phố.

Thứ tư, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng khi người khuyết tật có yêu cầu.

Thứ năm, duy trì đường dây kết nối giữa Hội người khuyết tật tỉnh và Trung tâm trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức như: điện thoại, văn bản giấy, gửi thư điện tử (email) nhằm hỗ trợ kịp thời các nhu cầu về trợ giúp pháp lý của tổ chức người khuyết tật cũng như cá nhân người khuyết tật.

Thứ sáu, theo dõi, đánh giá việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên hàng năm của đơn vị; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan khác./.

 

Huyền Chi (TTTGPL)